Ông Felix Wagenfeld, Trưởng đại diện của Văn phòng Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội, cho biết thông tin trên trong sự kiện "Chuyến xe hướng nghiệp Đức", cuối tháng trước. Sự kiện do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) tổ chức.
Theo ông Felix, số du học sinh Việt bậc đại học ở Đức hiện nay là hơn 7.060 người, tăng nhẹ so với năm ngoái. Ông quan sát thấy có sự chuyển dịch của sinh viên Việt sang các ngành thuộc khối xã hội. Những năm trước, người Việt chỉ chuộng các ngành kỹ thuật.
Ông Felix cũng cho biết khoảng 98% du học sinh có việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông đánh giá các nhóm ngành khoa học kỹ thuật vẫn có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn.
Đức được dự đoán thiếu khoảng 7 triệu lao động tay nghề cao vào năm 2035, do già hóa dân số. Những lĩnh vực thiếu hụt trầm trọng nhất là STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), Y tế - Điều dưỡng và Giáo dục. DAAD từng kêu gọi chính phủ, các đại học và doanh nghiệp xây dựng chiến lược thu hút và tăng gấp đôi tỷ lệ sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp, lên khoảng 50.000 người mỗi năm vào năm 2030.
Ở nhóm giáo dục nghề, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, nói xu hướng chọn nghề của người Việt vẫn là các ngành về Kỹ thuật, Điều dưỡng và Khách sạn. Năm ngoái, số này khoảng 4.000 người, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung, chiếm 80% tổng số du học sinh Việt Nam.
"Chỉ cần bạn vượt qua các bài kiểm tra của cơ sở đào tạo, bạn sẽ nhận được việc làm. Chúng tôi cần nhiều người lao động lành nghề hơn, đến Đức làm việc lâu dài, hoặc mãi mãi", ông cho hay.
Nói thêm, ông Oliver cho biết các trường nghề và công ty tại Đức rất thích người Việt vì chịu khó học và làm được việc. Đây cũng là nhóm thường có tỷ lệ được tuyển dụng cao hơn so với các ứng viên khác.
Chuyên gia đánh giá du học sinh Việt có nhiều thuận lợi khi sang Đức. Từ tháng 3 năm ngoái, Đức nới loạt quy định với du học sinh, như được làm thêm 140 ngày mỗi năm, giới hạn tuổi với du học nghề là 35 (trước kia là 25), giảm yêu cầu tiếng Đức....
Mức lương với người mới tốt nghiệp ở nhiều nghề hiện khoảng 2.300-3.500 euro (68-103 triệu đồng) một tháng, tương đương mức trung bình ở Đức. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của sinh viên Việt vẫn là ngôn ngữ.

Khuôn viên Đại học Ludwig Maximilian München, một trong những trường tốt nhất Đức. Ảnh: Ludwig Maximilian München Fanpage
DAAD cho biết, năm học 2024-2025, Đức đón hơn 405.000 sinh viên quốc tế vào kỳ mùa đông, tăng từ gần 380.000 năm trước đó.
Theo khảo sát của Study in Germany, cổng thông tin về du học Đức, có ba lý do chính khiến nước này hấp dẫn sinh viên nước ngoài.
Đầu tiên, các đại học công lập miễn học phí, sinh viên chỉ mất một khoản phí hành chính 150-250 euro (4,4-7,3 triệu đồng) mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng giáo dục đại học Đức được đánh giá cao, khoảng 10% chương trình học thuật ở Đức được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Thứ hai, Chi phí sinh hoạt trung bình của sinh viên quốc tế ở đây khoảng 930 euro/tháng (25,6 triệu đồng), thấp hơn so với Mỹ và Anh.
Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp sinh viên có cơ hội ở lại làm việc lên tới 18 tháng. Khảo sát của DAAD về kế hoạch sau tốt nghiệp của sinh viên quốc tế hồi cuối năm ngoái cũng cho thấy có tới 65% sinh viên dự định ở lại Đức sau khi hoàn thành việc học, trong đó 36% đã quyết định chắc chắn sẽ ở lại.
Doãn Hùng