PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch hội đồng Khoa học đào tạo, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu đề xuất này tại hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng học sinh thi Olympic Toán quốc tế (IMO) ngày 10/8.

Theo ông Lương, Ủy ban Olympic Toán sẽ tập hợp những người giỏi Toán, có kinh nghiệm dự thi IMO các năm. Ủy ban này sẽ tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển thi quốc tế, quyết định nội dung thi thế nào, chấm thi và chọn người ra sao.

"Việc thành lập ủy ban như vậy đã được nhiều nước thực hiện. Khi đó, quy trình lựa chọn sẽ kỹ lưỡng hơn, nhiều cuộc thi lớn nhỏ được thực hiện, đẩy phong trào học Toán tốt hơn", ông Lương nói. "Những người giỏi Toán cũng được cống hiến nhiều hơn thông qua ủy ban này".

IMo-4810-1723276575.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VgEdY-Iki0IOBAGgD2EQlA

PGS Nguyễn Vũ Lương nêu đề xuất tại sự kiện ở Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, ngày 10/8. Ảnh: Thanh Hằng

PGS.TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, nhìn nhận đề xuất của PGS Lương "rất quan trọng và cần thiết".

Phân tích kỹ hơn, ông Dũng cho biết về cơ bản, để góp mặt trong đội tuyển Việt Nam dự IMO, thí sinh phải trải qua các vòng thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, rồi vòng chọn đội chính thức (TST). Trong khi đó, đề thi giữa các vòng này rất khác nhau và khác cả IMO (trừ vòng TST) về cấu trúc, thời gian làm bài lẫn nội dung và phạm vi kiến thức.

"Nếu có Ủy ban Olympic, đơn vị này sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh với một đề thi giống IMO nhất, nhằm tạo sự đồng bộ và tương thích về nội dung ôn tập giữa các cấp", ông Dũng nói.

Hiện kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và vòng chọn đội tuyển quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm trách.

Olympic Toán quốc tế dành cho học sinh trung học được tổ chức lần đầu vào năm 1959, Việt Nam tham gia vào năm 1974.

Trong 50 năm, cả nước có 288 lượt thí sinh dự thi, giành 271 huy chương, trong đó 69 huy chương vàng.

Dương Tâm - Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022