Đại học Northeastern, Boston, đã đổi tên "Văn phòng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập", một chương trình dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thành "Thuộc về Northeastern". Ở New Jersey, một phiên họp tại Đại học Rutgers dành cho sinh viên từ các trường có truyền thống dành cho người da đen đột ngột bị hủy bỏ.
Khắp nước Mỹ, nhiều đại học đưa ra những biện pháp "phòng thủ", vì sợ vi phạm lệnh của chính quyền đối với các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập, gọi tắt là DEI (Diversity, Equity and Inclusion).
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ xóa bỏ các chương trình về đa dạng xã hội mà ông cho là phân biệt đối xử, trao cơ hội dựa trên màu da, giới tính,... thay vì năng lực. Ông cũng yêu cầu điều tra một số trường có nguồn tài trợ trên 1 tỷ USD, và các trường vi phạm có thể bị phạt một khoản "bằng số tiền tài trợ".
Lãnh đạo các trường, vốn mất nhiều năm để đưa DEI vào giảng dạy, tuyển dụng và nghiên cứu, sửng sốt vì phạm vi của các sắc lệnh đã ban hành.
Chẳng hạn, cơ quan liên bang phải chấm dứt những khoản tài trợ "liên quan đến công bằng xã hội". Đại học thì phải chứng minh đang không có chương trình DEI nào "vi phạm luật chống phân biệt đối xử của Liên bang" khi nhận tiền - khoản cần thiết để đài thọ nghiên cứu, dự án và lao động hợp đồng.
Khuôn viên Đại học bang Northeastern, Mỹ. Ảnh: Northeastern University Fanpage
Theo Paulette Granberry Russell, chủ tịch Hiệp hội lãnh đạo về Đa dạng trong Giáo dục, các lệnh này đang gây tác động tiêu cực. Nhiều chương trình, dự án liên quan DEI ở cơ sở giáo dục đại học đã bị hủy bỏ ngay sau khi chúng được ban hành.
Như Đại học bang Arizona yêu cầu nhà nghiên cứu ngay lập tức dừng các dự án liên quan DEI do liên bang tài trợ và tránh sử dụng các khoản quỹ chưa chi. Đại học North Carolina thì chỉ đạo giảng viên ngừng làm việc ở bất kỳ dự án nào chứa các thuật ngữ "đa dạng, công bằng và hòa nhập". Đại học bang Michigan cũng hủy bỏ một hội thảo trực tuyến về DEI.
"Các trường đang phải đánh giá lại các khóa học, chương trình và cả các vị trí hành chính có khả năng liên quan đến DEI", Russell nói. "Hậu quả lâu dài của những thay đổi như vậy có thể rất sâu sắc, với cả giáo dục đại học và lực lượng lao động và xã hội nói chung".
Bên cạnh đó, nhiều trường và giảng viên lo lắng về các khoản tài trợ nghiên cứu. Jacob Schwartz, Phó giám đốc đào tạo và giáo dục về ung thư tại Đại học Arizona, cho biết trường có thể mất hơn 10 triệu USD tài trợ hàng năm từ Viện Y tế Mỹ (NIH) và Quỹ khoa học quốc gia (NSF). Khoản này được dùng để trả cho các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và sinh viên sau đại học.
"Nghiên cứu khoa học không đơn giản như làm công nhân lắp ráp", Schwartz nói. "Nếu không thể giữ chân những người tài năng đó, dự án sẽ chết".
Các khoản tiền khác cũng có thể bị chậm trễ, dù không liên quan DEI, bởi cả NIH và NSF đều tạm dừng xét đơn xin tài trợ sau hàng loạt chỉ thị của ông Trump.
Cameron Jones, giáo sư tại Đại học California Polytechnic, lo lắng vì không biết liệu còn được nhận 150.000 USD do Quỹ Phát triển Nhân văn Quốc gia tài trợ cho nghiên cứu lịch sử của những người gốc Phi ở California hay không. Ông cũng thấp thỏm về tác động của lệnh cấm với sinh viên của mình, đặc biệt là nhóm da màu.
"Áp lực gián tiếp cũng có thể khiến các nhà quản lý rút lui khỏi những chương trình có lợi cho sinh viên da màu và sinh viên nhập cư thế hệ đầu tiên", Jones nhận định.
Dù vậy, nhiều trường tuyên bố duy trì chính sách tuyển sinh viên da màu và giúp tất cả sinh viên thành công, ngay cả khi phải đổi chiến lược hay đổi tên chương trình, hoạt động của mình.
"Cấu trúc trường học và cách tiếp cận có thể phải điều chỉnh, nhưng các giá trị cốt lõi sẽ không đổi. Chúng tôi tin rằng chấp nhận sự khác biệt và xây dựng một cộng đồng gắn bó sẽ giúp trường trở nên mạnh mẽ hơn", Renata Nyul, người phát ngôn của trường Đại học Northeastern, nói.
Scott Goldschmidt, một luật sư chuyên về giáo dục đại học tại thủ đô Washington, D.C., tin rằng các đại học có thể học hỏi cách các tổ chức giáo dục công thích ứng ở những tiểu bang đã thông qua luật cấm DEI.
"Họ vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ chỉ cần thích nghi về mặt luật pháp", Goldschmidt cho hay.
Sheldon Fields với trải nghiệm tương tự trong thời điểm làn sóng bảo thủ những năm 2000 khiến chương trình nghiên cứu về phòng ngừa HIV/AIDS của anh bị cắt giảm tài trợ, chia sẻ thay vì từ bỏ công việc, anh và đồng nghiệp đã thay đổi từ ngữ trong thư xin đài thọ.
Nay là chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Người da đen, Phó khoa Công bằng và Hòa nhập tại trường Điều dưỡng của Đại học bang Pennsylvania, Fields tin rằng những người khác cũng sẽ không nản lòng trong bối cảnh hiện tại.
"Nhiều người đã dành toàn bộ sự nghiệp để làm việc trong một số lĩnh vực nhất định. Họ sẽ không từ bỏ đâu", Fields nhận định.
Khánh Linh (Theo AP, The Wall Street Journal)