Đại học Luật Hà Nội ngày 19/7 cho biết điểm sàn xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT được chia ba mức là 15, 18 và 20.

Trong đó, mức 20 điểm áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) vào trụ sở tại Hà Nội và 18 với các tổ hợp khác. Mức này là tổng điểm ba môn không tính điểm ưu tiên.

Với ngành Luật Thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh, thí sinh cần đáp ứng điều kiện điểm môn tiếng Anh từ 7 trở lên.

Thí sinh đăng ký vào phân hiệu của trường tại Đăk Lăk chỉ cần tổng điểm 3 môn 15 là đủ điều kiện được xét tuyển.

luat-jpeg-1721357588-9871-1721357628.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RqwA2jFhtMF-14dp-xmazw

Sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Luật Hà Nội

Năm 2024, trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) tuyển 2.500 chỉ tiêu bằng 4 phương thức, gồm: xét tuyển xét tuyển thẳng; xét các thí sinh dự thi vòng tháng, quý, năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; xét học bạ; dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, gần 2.400 chỉ tiêu dành cho hai phương thức cuối.

Với phương thức xét học bạ, trường đã công bố điểm chuẩn là từ 22,51 đến 30, đã bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích.

Học phí dự kiến của Đại học Luật Hà Nội với các chương trình đại trà năm học tới là hơn 2,5 triệu đồng một tháng, tương đương 725.000 đồng một tín chỉ. Một học kỳ có 5 tháng, một khóa học có 40 tháng (140 tín chỉ).

Với chương trình chất lượng cao, học phí là gần 5,1 triệu đồng một tháng. Trong đó, giá mỗi tín chỉ là 725.000 đồng; riêng các môn thực tập chuyên môn, khóa luận tốt nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh là 1,6 triệu đồng.

Năm ngoái, điểm chuẩn Đại học Luật Hà Nội xét bằng điểm thi tốt nghiệp từ 18,15 đến 27,36. Ngành Luật Kinh tế có đầu vào cao nhất với 27,36 điểm tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức 18,15 áp dụng với ngành Luật ở phân hiệu Đăk Lăk.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022