Nguyễn Thị Minh Hiển, 27 tuổi, giáo viên THPT Tây Trà, Quảng Ngãi, chuẩn bị du học thạc sĩ Giáo dục chuyên ngành Tesol - giảng dạy tiếng Anh, với học bổng toàn phần AAS của Chính phủ Australia.

"Tôi nghĩ mình may mắn khi đạt học bổng này, mong rằng hành trình của tôi sẽ gieo thêm hy vọng và động lực cho các học sinh ở Tây Trà tiến lên", Hiển nói.

Co-Nguyen-Thi-Minh-Hien-173873-3391-6673-1738730726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TXnGevM-PWsn02Algvv5dw

Minh Hiển (phải) tham gia khóa nâng cao tiếng Anh của học bổng AAS. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiển nói yêu thích học tiếng Anh từ đam mê truyện tranh thời cấp hai. Vì phải chờ bản tiếng Việt quá lâu, cô lên mạng mày mò đọc bản tiếng Anh, rồi dần trở thành thói quen hàng ngày.

Tốt nghiệp THPT, Hiển vào Đại học Phạm Văn Đồng, ngành Sư phạm tiếng Anh, ở quê nhà Quảng Ngãi. Năm thứ ba, khi tham gia cuộc thi "Hackathon Engaging with Vietnam" do vợ chồng Giáo sư Phan Lê Hà và Liam Kelley tổ chức, cô có dịp gặp gỡ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Từ đó, Hiển nuôi dưỡng ước mơ du học. Tuy nhiên, năm 2019, Covid-19 ập đến làm cô gái phải hoãn kế hoạch.

Năm 2023, Hiển thi đỗ biên chế ngành giáo dục, được phân công về trường THPT Tây Trà, huyện Trà Bồng. Đây là vùng xa, khó khăn của Quảng Ngãi với hơn 90% học sinh là thuộc dân tộc thiểu số.

Hiển kể, ngày đầu tiên nhận công tác cách nhà 90 km, cô bất ngờ vì đường đi khúc khuỷu hơn tưởng tượng, nhiều học sinh không đủ tiền ăn sáng. Với môn tiếng Anh, khó khăn gấp bội so với miền xuôi bởi với các em, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai.

"Các bạn là người dân tộc Cor, lại học tiếng Anh thông qua tiếng Việt", Hiển giải thích.

Năm đầu, Hiển được giao dạy lớp 10. Trong một lần, khi giao bài, học sinh không nhớ được nghĩa của từ "cartoon" (hoạt hình), mà trả lời là "xe to". Cô giáo trẻ bèn nghĩ cách giúp học trò ghi nhớ hiệu quả hơn. Thông qua một ứng dụng học từ vựng, Hiển lồng ghép vào bài giảng. Chỉ một thời gian ngắn, kết quả học tập của học sinh được sự cải thiện

Dạy tiếng Anh ở vùng núi còn nhiều rào cản khác, như thiếu thiết bị học tập, học sinh hạn chế trong giao tiếp..., nhưng Hiển đều cố gắng tìm phương pháp, dạy những bài học phức tạp thông qua trò chơi, hình ảnh sinh động.

Hoc-tro-co-Hien-1738730650-5618-1738730726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3zAoRWW1ivBmW4GHlKy_cg

Các học sinh nhận quà của Minh Hiển sau khi cô đi công tác về. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở miền núi nhưng Hiển tích cực nghiên cứu khoa học và tham gia hội thảo quốc tế. Từ kinh nghiệm thực tế, Hiển viết về ứng dụng internet trong học tiếng Anh ở trường THPT Tây Trà, được đăng trong kỷ yếu Hội thảo quốc tế VietTESOL 2022 của Phân hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Mới đây, với chủ đề ứng dụng AI trong giảng dạy kỹ năng đọc, cô trở thành diễn giả trẻ nhất tại Hội thảo TESOL Elevate 2024 do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Ngoài ra, cô Hiển còn kết nối với các quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo vào đại học.

Minh Hiển cho rằng quá trình dấn thân lên vùng cao đã giúp bản thân - vốn lớn lên ở thành phố - nhìn nhận rõ khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng, miền. Cô tin rằng điều này có thể được rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ trong giảng dạy.

"Vì thế, ước mơ du học để học hỏi tri thức, công nghệ mới trong tôi lại trỗi dậy", cô nói.

Hiển bắt tay tìm hiểu và ứng tuyển các học bổng Chính phủ như Fulbright (Mỹ), Chevening (Anh) và AAS (Australia) bởi đây đều là học bổng toàn phần. Cô thường vào trang web chính thức của học bổng, đồng thời kết nối với các cựu ứng viên qua Facebook và hội thảo để nắm thông tin.

Dù chuẩn bị kỹ, Hiển trượt phỏng vấn học bổng Fulbright và Chevening.

"Thất bại dạy tôi cách chuẩn bị tốt hơn," Hiển nói. "Dù hụt hẫng, tôi xác định phải nhanh chóng xốc lại tinh thần".

Thành công đến với Hiển vào tháng 8 năm ngoái, khi nhận tin trúng học bổng AAS. Trong hồ sơ ứng tuyển, Hiển xoay quanh mục tiêu đóng góp xã hội tại Việt Nam và tăng cường kết nối giáo dục giữa Việt Nam và Australia. Để du học, Hiển trải qua một khóa học tiếng Anh ở Đại học RMIT, được đánh giá đạt yêu cầu.

Sau ba lần ứng tuyển, Hiển nhìn nhận các ứng viên muốn giành học bổng cần xây dựng nền tảng sớm, có thành tích học tập tốt, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội.

"Ngoài ra cần nắm bắt 'từ khóa' của học bổng, ví dụ như AAS đề cao khả năng lãnh đạo và đóng góp cộng đồng, các học bổng khác có thể có tiêu chí khác", Hiển chia sẻ.

co-giao-hien-va-hoc-tro-173873-7735-6253-1739205680.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KTA-j7dKvmhHD472XGXuyg

Cô Hiển kết nối các quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao vào đại học. Ảnh: Phạm Linh

Thầy Võ Hồng Trường đánh giá cô Hiển là giáo viên trẻ năng động, sáng tạo trong giảng dạy.

"Hiển đã gặt hái những quả ngọt đầu tiên", thầy nói. Năm 2024 vừa qua, cô Hiển góp phần giúp điểm tiếng Anh của học sinh toàn trường đạt 6,05, cao hơn trung bình cả nước (5,51 điểm). Nữ giáo viên cũng có một học trò đạt 6.0 IELTS, là lần đầu tiên ở trường.

" Ngoài ra, cô Hiển luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ và truyền lửa cho học sinh tiếp tục đến trường, theo đuổi tri thức", thầy cho hay.

Dù lên đường du học, Hiển vẫn duy trì kết nối với học trò để tư vấn và hướng dẫn các em vào đại học. Cô tin rằng, mỗi học sinh vùng cao đều có tiềm năng, chỉ cần được tin tưởng và trao cơ hội.

Lứa học sinh lớp 10 mà cô dẫn dắt những ngày mới về trường THPT Tây Trà, giờ đã tốt nghiệp. Hơn 30 em đã trúng tuyển vào cao đẳng, đại học, đem theo ước mơ nâng cao trình độ, góp phần xóa đói giảm nghèo ở quê nhà.

"Nhưng tôi hy vọng mình sẽ như một người chị cả, một 'mentor' - cố vấn, để các em có thể đạt được những ước mơ xa hơn nữa", Hiển nói.

Phạm Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022