Theo dữ liệu của Bộ Di trú, Người tị nạn và Quyền công dân Canada (IRCC) được The Globe and Mail công bố hồi tháng 1, gần 50.000 sinh viên nước ngoài không tới trường sau khi nhập cảnh vào tháng 3 và 4 năm ngoái.

Trong đó, sinh viên Ấn Độ là nhóm không tuân thủ quy định thị thực lớn nhất. Chính phủ Canada không có hồ sơ về nơi ở của những người này.

Nhóm sinh viên "mất tích" này được cho là đang làm những công việc lặt vặt để trang trải cuộc sống. Một số là nạn nhân của các cơ sở giáo dục lừa đảo.

Khi một sinh viên Ấn Độ 24 tuổi tới Canada vì tin rằng đã trúng tuyển vào một đại học danh tiếng ở Brampton, người này phát hiện ra "trường đại học" đó chỉ là một văn phòng nhỏ không có phòng học, theo The Times of India.

"Họ nói với tôi rằng các lớp học đã đủ người và yêu cầu tôi đợi", anh kể lại. "Nhiều tuần trôi qua, tôi nhận ra đó là một vụ lừa đảo. May mắn thay, tôi mới trả 420 nghìn rupee (khoảng 4.800 USD) trong tổng số 1,2 triệu rupee học phí".

Công ty tư vấn du học của sinh viên này chỉ liên lạc qua điện thoại trước ngày cất cánh. Sau đó, họ đảm bảo với cậu rằng có thể xoay xở được số tiền còn lại thông qua công việc bán thời gian. Cậu đành bắt đầu làm việc tại một trạm xăng địa phương để tự nuôi sống bản thân.

Trong khi đó, những người khác cố tình lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống thị thực du học của Canada.

Không giống Mỹ hay Australia, Canada không yêu cầu sinh viên quốc tế phải nộp học phí trước khi đến. Đó là lý do nhiều người có thể nhập cảnh bằng giấy phép du học rồi đi làm thay vì đi học. Cũng không ít trường hợp chọn các trường cao đẳng cộng đồng có chi phí thấp, coi đó là cánh cổng để vào Canada để làm việc, tìm kiếm cơ hội thường trú.

"Nhiều người trong khu vực của tôi đã làm như vậy, và tôi cũng làm theo. Tôi biết điều đó là bất hợp pháp, nhưng với tôi đây là cách duy nhất", một sinh viên 27 tuổi thừa nhận.

Một người đã trúng tuyển vào các trường tốt cũng làm tương tự, vì đang phải gánh khoản vay ít nhất là 2,5 triệu rupee (gần 30.000 USD). Hiện tại, người này làm hai công việc tại một nhà hàng và một đơn vị giao đồ ăn vào ban đêm để có tiền gửi về nhà.

CPB5ZQLXYFAMHE7PVQCDFD7GTY-173-8011-3223-1739491408.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lSMEdcg94FjFcXdXyRSQyA

Sinh viên đi bộ trên phố St. George gần Đại học Toronto, tháng 11/2022. Ảnh:Fred Lum/The Globe và Mail

Ấn Độ đang điều tra mối liên hệ giữa các trường cao đẳng Canada tuyển sinh viên quốc tế và mạng lưới di cư bất hợp pháp tại Ấn Độ. Một số sinh viên bị nghi ngờ vượt biên giới Canada - Mỹ bất hợp pháp thay vì đi học.

Tuy nhiên, Henry Lotin, một chuyên gia về nhập cư, tin rằng hầu hết những sinh viên Ấn Độ không đến trường vẫn ở lại Canada, làm việc và hướng đến mục tiêu có được quyền thường trú. Số sinh viên quốc tế xin tị nạn tại Canada cũng tăng mạnh mẽ. Lotin cho rằng Canada cần yêu cầu trả trước học phí chặt chẽ hơn và có hệ thống theo dõi tốt hơn để giảm thiểu việc bị lạm dụng.

Chính phủ Canada nhận thức được những xu hướng này và đã bắt đầu hành động để trấn áp các tổ chức gian lận và lấp lỗ hổng thị thực.

Từ tháng 11 năm ngoái, các cơ sở giáo dục đại học phải thường xuyên xác minh tình trạng học tập của sinh viên, đảm bảo thư chấp nhận nhập học là thật, nộp báo cáo cho IRCC để xác nhận những sinh viên có giấy phép du học tiếp tục theo học tại Canada. Các trường không tuân thủ có thể bị đình chỉ tuyển sinh sinh viên quốc tế trong một năm.

Trước đó, IRCC đã giới hạn đơn xin giấy phép du học để giảm áp lực về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu. Số giấy phép được cấp mới giảm 40% sau một năm, tính đến tháng 10 năm ngoái.

Hiện, khoảng một triệu sinh viên quốc tế ở Canada. Trong đó, số sinh viên người Ấn Độ chiếm hơn 41%, Trung Quốc 12%.

Khánh Linh (Theo The Globe and Mail, Times of India, The Economic Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022