Tất cả tỉnh, thành đã công bố môn thi vào lớp 10 năm nay, hầu hết chọn Toán, Văn và Tiếng Anh, riêng Hà Giang chọn môn thứ ba là Lịch sử và Địa lý. Những năm trước, phần lớn cũng tổ chức thi ba môn để xét tuyển vào lớp 10.

Trước thực tế trên, GS Đỗ Đức Thái, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên chương trình môn Toán phổ thông, cho rằng cấp thiết cần thay đổi. Bởi việc thi ba môn vào lớp 10 khiến thầy trò bỏ bê một số môn tự nhiên, gây mất cân bằng cơ cấu đào tạo đại học, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực để đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo không đồng tình, dù cho rằng điều này ít nhiều ảnh hưởng lựa chọn môn học bậc THPT và ngành học của các em.

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên môn Khoa học tự nhiên THCS ở Hà Giang, cho biết kỳ thi vào lớp 10 năm trước ở tỉnh chỉ gồm Toán và Văn, năm nay có thêm Lịch sử và Địa lý. Các trường thường tập trung ôn luyện vào kỳ II lớp 9 nhưng vào các buổi chiều. Các tiết học buổi sáng vẫn theo thời khóa biểu, đảm bảo đủ thời lượng, nội dung tất cả môn.

"Với các môn không thi, giáo viên và học sinh bớt áp lực hơn, các bài kiểm tra ở mức cơ bản nhưng vẫn đảm bảo đánh giá được học sinh", cô Hương nói. "Vì vậy, không thể nói thi lớp 10 với ba môn khiến học sinh bỏ học các môn khác".

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, cũng khẳng định dù thi chuyển cấp môn nào thì trước đó, học sinh vẫn phải hoàn thành chương trình THCS.

233a9596-1744952885-2382-1744963346.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mWn_Mhkg7_Erw5x1fgND8g

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng nguyên nhân gốc rễ vấn đề là tâm lý học để thi chứ không phải thi môn nào.

Theo ông, nếu tổ chức thi các môn khoa học tự nhiên, học sinh sẽ lao vào ôn tập, song chưa chắc đã theo đuổi và chọn học về sau. Do đó, điều quan trọng là thay đổi tư tưởng của phụ huynh, học sinh, thầy cô bằng cách giảm áp lực các kỳ thi. Hiện áp lực ở các kỳ thi chuyển cấp quá lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM.

"Kỳ thi vào lớp 10 nhẹ nhàng sẽ giúp quá trình dạy học ở THCS đều hơn. Nhiều tỉnh đủ chỗ học cho các em thì chỉ xét tuyển, không cần thi", TS Dũng nói.

Một nguyên nhân khác là phương pháp dạy và học ở bậc THCS chưa khiến học sinh hứng thú, đam mê.

Ông Dũng và ông Lê Quang Trí đều cho rằng đam mê với môn học xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là quá trình dạy học của thầy cô.

"Thông thường thầy cô dạy môn nào mà học sinh thấy thích thú, dễ hiểu thì các em có xu hướng chọn môn đó", ông Trí đánh giá. Khi được truyền cảm hứng và đam mê với môn học, học sinh mới đào sâu học hỏi.

Cô Hương nhận ra điều này rõ nét khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Hóa, Lý, Sinh được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS. Tại trường cô, không ai có thể dạy toàn bộ môn này, mà "giáo viên môn nào dạy môn đó".

"Khi giáo viên Lý dạy phần kiến thức ở môn Sinh thì chỉ có thể giảng ở mức cơ bản, khó truyền cảm hứng cho học sinh. Các em cũng thấy rời rạc, khó hiểu...", cô nhìn nhận. "Khi không thấy hứng thú, các em có xu hướng không chọn môn này ở bậc THPT".

Ảnh hưởng đến lựa chọn của học sinh còn do khâu hướng nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, việc này phải thực hiện từ cấp THCS bởi đến lớp 10, học sinh đã phải chọn môn học, liên quan môn thi đại học và chọn ngành nghề sau này.

"Nhà trường, xã hội cần làm công tác hướng nghiệp thiết thực, gần gũi hơn. Thầy cô cần cập nhật hiểu biết về các ngành nghề để tư vấn, định hướng, khuyến khích học sinh", ông Dũng nói.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh chọn thi tốt nghiệp THPT các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) luôn thấp hơn Khoa học xã hội (Lịch sử, Đại lý, Giáo dục công dân). Năm ngoái, trong hơn 1,07 triệu thí sinh, khoảng 37% chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Xu hướng này tiếp tục trong năm nay khi trong các môn lựa chọn, Lịch sử và Địa lý chiếm ưu thế.

Ở bậc đại học, khối ngành Kinh doanh và Quản lý thu hút nhiều thí sinh nhập học nhất - 25% vào năm ngoái, trong khi tỷ lệ nhập học ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin lần lượt là 9 và 12%.

Ông Trần Nam Dũng nhìn nhận xã hội cần nhân lực cả lĩnh vực Khoa học tự nhiên và xã hội. Văn học, lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm lý, pháp luật... quan trọng không kém các môn STEM.

Cô Hương thì cho rằng số học sinh chọn Khoa học tự nhiên có thể ít nhưng chất lượng tốt bởi những môn này được đánh giá khó hơn môn khác. Những em đã chọn thường đã xem xét kỹ lưỡng khả năng của mình.

"Phát triển khoa học, công nghệ cần nhân lực chất lượng cao. Số lượng ít nhưng tốt vẫn hơn là ồ ạt", cô Hương nói.

Dương Tâm - Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022