Trong quá trìnhdạy dỗ con cái, có những câu nói mang tính sát thương rất lớn, cha mẹ không nên tùy ý nói với con mình.
Những câu nói cha mẹ không nên nói với con mình
1. Những lời nói làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ
"Cái bài đơn giản thế này mà cũng không làm được, rốt cuộc có động não không đấy?", "Tao đẻ ra mày, cái đứa vô dụng, làm gì cũng không ra hồn", "Mày xem người ta ngoan ngoãn giỏi giang thế nào, rồi nhìn lại mình đi".
Khi tức giận hoặc mất kiên nhẫn, cha mẹ thường buột miệng nói ra những lời tổn thương tới con cái mà không hề nghĩ đến hậu quả. Có những bậc phụ huynh còn cố ý phê bình con trước mặt nhiều người, nghĩ rằng như vậy sẽ khiến con nhớ đời.
Nhưng trẻ con cũng có lòng tự trọng. Khi bị bêu riếu, bị phê bình trước người khác, lòng tự trọng của chúng sẽ bị tổn thương nặng nề, dần dần trở nên thiếu tự tin và không còn tin tưởng vào cha mẹ nữa.
Có phụ huynh sẽ nói: "Lỡ như con làm sai thì mình có được nói không?".
Tất nhiên là được rồi, nhưng nhất định phải chọn lúc không có ai và nói riêng với con. Đừng ngay lập tức mắng mỏ con, hãy hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện và lắng nghe con nói hết đầu đuôi sự việc.
Khi phê bình, cha mẹ đừng dùng giọng điệu mỉa mai, chế giễu. Hãy giải thích cho con hiểu con sai ở đâu.
Từ 3-6 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách quan trọng của trẻ, nhận thức về bản thân của trẻ chủ yếu đến từ những đánh giá của người khác.
Một lời nhận xét tiêu cực vô tình thốt ra của cha mẹ có thể gieo vào lòng trẻ hạt giống tự ti. Vì vậy, khi phê bình con, cha mẹ nhất định phải phân biệt rõ hoàn cảnh và cố gắng bảo vệ lòng tự trọng của con.
Cha mẹ không nên nói những lời mang tính sát thương với con mình.
2. Những lời nói mang tính đe dọa trẻ
"Con mà không nghe lời nữa là mẹ không cần con đâu", "Nếu con không đi ngủ thì mẹ gọi công an đến bắt con đấy", "Chờ bố con về xem bố xử con thế nào".
Khi trẻ không nghe lời, nhiều phụ huynh thích dùng cách đe dọa để ép trẻ ngoan ngoãn. Ví dụ như không cần con nữa, gọi công an hoặc ma quỷ đến bắt, đủ loại lời đe dọa được sử dụng và nó có thể mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Có một bà mẹ từng tự hào nói: "Con bé nhà tôi ăn ngoan lắm, bởi vì mỗi lần nó không chịu ăn, tôi lại dọa là nếu không ngoan thì y tá sẽ đến tiêm".
Dọa trẻ có vẻ là cách dạy con hiệu quả nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm mà nhiều bậc phụ huynh không ngờ tới.
Trong tất cả những lời đe dọa, câu nói "Mẹ không cần con đâu" gây tổn thương lớn nhất cho trẻ. Câu nói này ám chỉ về việc bị bỏ rơi, khiến trẻ cảm thấy cực kỳ bất an, sợ hãi, đồng thời tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho trẻ.
Để trở thành đứa con ngoan trong mắt cha mẹ, trẻ sẽ kìm nén bản thân và giả vờ ngoan ngoãn.
Dùng công an hoặc y tá để dọa trẻ sẽ khiến trẻ có nhận thức sai lệch về các vai trò xã hội. Công an vốn là người giúp đỡ mọi người, nhưng vì bị cha mẹ dọa, trẻ lại lầm tưởng công an là người xấu. Khi gặp nguy hiểm, thay vì tìm đến công an để được giúp đỡ, trẻ lại sợ hãi và bỏ chạy.
Tương tự, trẻ sẽ sợ hãi khi nhìn thấy y tá và không dám nói ra khi bị ốm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho trẻ.
Nếu dùng ma quỷ để dọa trẻ, trẻ sẽ trở nên nhút nhát và yếu đuối.
Dùng cha hoặc mẹ để dọa trẻ sẽ khiến trẻ xa cách về mặt tâm lý với cha mẹ, không có lợi cho mối quan hệ hòa thuận giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ là người trẻ tin tưởng nhất, khi trẻ còn quá nhỏ để phân biệt đúng sai, những lời đe dọa của cha mẹ sẽ gieo vào lòng trẻ một hạt giống bất an, gây hại nhiều hơn có lợi.
3. Những lời khiến trẻ cảm thấy tội lỗi
"Bốmẹ làm việc vất vả như vậy là để cho con được học hành tử tế", "Bốmẹ đã hy sinh rất nhiều cho con, con nhất định phải cố gắng", "Nếu không phải vì con thì bố mẹ đã ly hôn rồi".
Phụ huynh sử dụng cách thức "kể khổ" để bày tỏ kỳ vọng của mình đối với con cái, điều này tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho trẻ.
"Vì con" giống như một hòn đá nặng đè lên vai trẻ, khiến trẻ cảm thấy tội lỗi. Khi gia đình gặp khó khăn hoặc mâu thuẫn, trẻ sẽ đổ lỗi cho bản thân.
"Vì tôi, gia đình mới khó khăn như vậy", "Vì tôi, bố mẹ mới cãi nhau", "Vì tôi, tất cả mọi người mới khổ sở như vậy".
Cảm giác tội lỗi có thể khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn bề ngoài nhưng không mang lại cho trẻ một cuộc sống hạnh phúc.
4. Những lời khen ngợi hời hợt
"Mẹ bận lắm, con tự chơi giỏi đi nha", "Con giỏi lắm!"
Những câu nói hời hợt như vậy, chắc hẳn nhiều người thường xuyên buột miệng.
Trẻ bị ngã không khóc: "Con giỏi lắm!", trẻ tự ăn cơm: "Con giỏi lắm!", trẻ giúp đỡ người khác: "Con giỏi lắm!".
Trẻ cần được khẳng định và khuyến khích, nhưng những lời khen chung chung và hời hợt không thể giúp trẻ duy trì hành vi tốt.
Lời khen cần cụ thể, khen đúng chỗ.
Ví dụ, khi trẻ tự bước xuống cầu thang lần đầu, bạn có thể khen "Con trai/con gái mẹ thật dũng cảm, tự mình bước xuống cầu thang mà không cần mẹ đỡ", sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với một câu "Con giỏi lắm".
Trẻ dù nhỏ nhưng rất nhạy cảm. Những lời nói hời hợt sẽ khiến trẻ cảm thấy thất vọng, cho rằng cha mẹ không quan tâm đến mình.
5. Những lời nói tự ti hoặc chê bai người bạn đời
"Tất cả là tại bố mẹ không có năng lực", "Bố mày lười lắm, con lớn lên đừng có giống bố nhé", "Mẹ mày ngốc quá, việc này cũng không làm được...".
Việc cha mẹ chê bai lẫn nhau trước mặt con cái là một tổn thương vô hình đối với trẻ. Cha mẹ là những người thân thiết nhất với trẻ, có vị trí không thể thay thế trong lòng trẻ.
Cha mẹ và con cái có mối quan hệ mật thiết, dù chê bai bất kỳ ai trong gia đình, trẻ cũng sẽ cảm thấy tự ti.
Trẻ lớn lên trong môi trường gia đình như vậy thường có 2 thái độ: Một là trở nên giống cha mẹ, không biết nói chuyện tử tế, hay châm chọc, hạ thấp người khác. Hai là nhìn thấy hôn nhân của cha mẹ không hạnh phúc, từ đó mà sợ hãi tình yêu và hôn nhân.
Dù là trường hợp nào thì cũng không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Có câu nói rằng "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Mỗi lời nói gây tổn thương của cha mẹ đều như một vết sẹo in sâu vào tâm hồn trẻ.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy bắt đầu từ bây giờ, hãy nói chuyện với con một cách tử tế.