Tại Hội thảo đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi Olympic Toán quốc tế (IMO) sáng 10/8, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, thống kê có 144 học sinh, đến từ 25 trường, từ năm 2001 đến nay.

Hầu hết là học sinh đến từ trường chuyên của các tỉnh, thành, kế đó là trường chuyên thuộc đại học. Duy nhất, THPT Lê Hồng Phong (tỉnh Phú Yên) là trường không chuyên có học sinh thi IMO.

Xét từng đơn vị, chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) áp đảo với 32 lượt thí sinh, chiếm hơn 22%. Chuyên Đại học Sư phạm (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) lần lượt có 16 và 15 lượt thí sinh. Ba vị trí đầu tiên đều thuộc về các trường chuyên thuộc đại học.

Hai trường chuyên Vĩnh Phúc và Trần Phú (Hải Phòng) có 11 lượt thí sinh mỗi trường. Chuyên Hà Nội - Amserdam có 8 đại diện, chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) có 7. Bốn trường chuyên Đại học Vinh, Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Lê Hồng Phong (Nam Định) và Hà Tĩnh đều có 5 lượt học sinh.

Ông Vinh cho biết nếu chia thành hai giai đoạn 2001-2012 và 2013-2024, nửa sau có nhiều học sinh đến phía Nam hơn, từ trường Phổ thông Năng khiếu, các tỉnh Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu.

52c158573a2e9e70c73f-8491-1723274344.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6nSwYlqCeLVgNVvMnE59NA

GS Lê Anh Vinh tại hội thảo sáng 10/8. Ảnh: Thanh Hằng

Lý giải thành tích của THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo của trường, cho biết đây là đơn vị đầu tiên tổ chức mô hình học đội tuyển, từ năm 1993. Trước thời điểm này, việc mời các thầy cô giỏi về dạy chủ yếu do các gia đình có điều kiện chủ động, không diễn ra ở quy mô các trường.

"Từng có học sinh đến gặp tôi và khóc, bảo muốn được học thầy giỏi, đến nhà bạn xin học nhờ nhưng bố mẹ bạn không cho", ông Lương kể. "Từ khi tổ chức học đội tuyển, không khí học tập tốt hơn, học sinh nghèo cũng có điều kiện được học thầy cô giỏi".

Tới năm 2015, trường chuyên Khoa học Tự nhiên thấy rằng việc đào tạo đội tuyển không chỉ nên cho năm đi thi mà cần tạo nguồn, làm nền tảng cho năm sau, nên thay đổi cách xây dựng đội tuyển. Theo ông Lương, đội tuyển gồm 4-5 học sinh lớp 12, có nhiều khả năng giành huy chương năm đó; 4 em lớp 11 để tạo nguồn cho năm sau cùng 1-2 em lớp 10 thực sự xuất sắc. Khi học chung, học sinh giữa các khối sẽ hỗ trợ, học hỏi và thúc đẩy nhau. Những em khối dưới nếu năm nay không có giải, tỷ lệ giành huy chương vào năm sau vẫn rất rộng mở.

"Với cách như vậy, chúng tôi không chỉ có huy chương ở học sinh lớp 12, mà còn có cả ở 11, thậm chỉ lớp 10. Năm sau, trường cũng bớt lo", ông Lương chia sẻ.

Còn về sự vươn lên của các tỉnh, thành, ông cho rằng điều này bắt nguồn từ việc đầu tư mạnh cho trường chuyên, giáo viên và học sinh giỏi.

Những năm gần đây, ngoài IMO, các đội tuyển Việt Nam đi thi Olympic quốc tế và khu vực cũng có thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM.

GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận đây là tín hiệu rất đáng mừng.

"Điều này cho thấy trình độ của học sinh cũng như giáo viên ở các tỉnh, thành ngày càng tương đối đồng đều. Các thầy cô giỏi không chỉ giảng dạy ở các thành phố lớn", ông Hà nói. "Lớn hơn, việc thí sinh ở nhiều tỉnh, thành được đi thi quốc tế, khu vực cho thấy sự cách biệt về kinh tế - xã hội giữa các địa phương ngày càng được thu hẹp".

Thanh Hằng - Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022