base64-1724933094196686271967.jpeg

Họp báo chương trình Vinh quang thầm lặng 2024 - Ảnh: BTC

Sự kiện Vinh quang thầm lặng 2024 do Ban Cơ yếu Chính phủ chỉ đạo, Tạp chí An toàn Thông tin chủ trì.

Chương trình kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944), 79 năm ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12-9-1945).

Ngày 12-9-1945 - 10 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Ban Mật mã quân sự - tổ chức tiền thân của Ngành Cơ yếu Việt Nam được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Do tính chất đặc thù của nhiệm vụ cơ mật trọng yếu nên những chiến công của ngành hiếm khi được vinh danh, cũng ít được nhắc đến trên truyền thông. 

Đây là chương trình nghệ thuật đầu tiên về ngành.

Tại họp báo chiều 29-8 tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, chia sẻ tên gọi của chương trình "Vinh quang thầm lặng" được lấy ý tưởng từ chính đặc thù nhiệm vụ của ngành. 

"Thông qua nghệ thuật, chúng tôi cung cấp một góc nhìn mới lạ, khác biệt để khán giả hiểu thêm về một lực lượng quan trọng, đã, đang góp phần không nhỏ trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Vinh quang thầm lặng 2024  chính là cầu nối, đưa hình ảnh của ngành Cơ yếu Việt Nam đến gần hơn với người dân cả nước", Thiếu tướng nói.

Chương trình có thời lượng 120 phút, lấy âm nhạc làm dòng chảy chính, kết hợp với thơ ca, múa và sự xuất hiện của các nhân chứng lịch sử, Vinh quang thầm lặng 2024khắc họa hành trình thầm lặng nhưng đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.

a21i9943-17249274820761307961799.jpg

Nguyễn Ngọc Anh là một trong những ca sĩ hát tại Vinh quang thầm lặng 2024 - Ảnh: BTC

Vinh quang thầm lặng 2024 được chia làm 3 chương: Sứ mệnh lịch sử; Những chiến công thầm lặng; Hành trình vinh quang.

Theo thông tin từ ban tổ chức, phóng sự Những bức điện mật lịch sử tái hiện vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn như Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Biên giới phía Bắc... sẽ được phát trong chương trình tối 6-9.

Tại sự kiện, khán giả sẽ có cơ hội gặp một số nhân chứng như ông Nguyễn Văn Khôi - người trực tiếp phục vụ Mã dịch điện mật của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Bùi Cương - tác giả chuẩn mật mã MKV được đề xuất ban hành thành chuẩn mật mã đầu tiên của Việt Nam, đưa Việt Nam vào nhóm ít các quốc gia trên thế giới có chuẩn mật mã riêng (Nga, Mỹ...)…

Âm nhạc sẽ là sợi chỉ xuyên suốt, kết nối mạch kể. Nhiều ca khúc đi cùng năm tháng làm sống dậy một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc như: Một đời người một rừng cây, Linh thiêng Việt Nam, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Khát vọng

Đặc biệt có hai tác phẩm viết về ngành cơ yếu là Hành khúc Cơ yếu Việt NamVinh quang thầm lặng.

NSND Lê Chức kể, gia đình ông sống ở gần Ban Cơ yếu Chính phủ, hàng ngày ông vẫn đi qua cơ quan này. Tuy nhiên nghệ sĩ không hiểu gì về ngành Cơ yếu cả.

Khi được mời làm cố vấn nghệ thuật của chương trình và có cơ hội tìm hiểu, ông mới vỡ lẽ những "lặng im" của họ. Và những điều không dễ gì nói được ấy, thông qua nghệ thuật, sẽ được "giải mật" dần.

Hát trong đêm Vinh quang thầm lặng có các ca sĩ Tùng Dương, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thu Thủy, Ngọc Ký…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022