base64-1733544058186626629271.jpeg

Cảnh trong phim Tham vọng giàu sang đang dẫn đầu bảng xếp hạng người xem truyền hình - Ảnh: ĐPCC

Nếu như các năm trước, phim đề tài về miền Tây được khai thác nhiều thì năm 2024 chỉ có vài phim về thể loại này lên sóng. 

Cụ thể, SCTV14 đầu năm phát sóng phim Gió ngược nói về cuộc sống của người dân Đồng Tháp chịu thương chịu khó, cuối năm THVL1 trình làng phim xưa Tham vọng giàu sang.

Sức hút phim miền tây từ Tham vọng giàu sang

Phim Tham vọng giàu sang (phát sóng trên THVL1) kể về số phận của hai chị em cùng cha khác mẹ trong một gia đình quê miền Tây Nam Bộ thời xưa.

Phát sóng đến tập 33, bộ phim miền Tây này đang tạo ra những xung đột căng thẳng, bắt nguồn từ sự đố kỵ của cô em Bình An (Yeye Nhật Hạ) với người chị Thanh Trúc (Tam Triều Dâng).

Trailer phim Tham vọng giàu sang

Hận thù vì bị ngược đãi lúc nhỏ, Bình An tìm mọi cách để hại chị của mình với mục tiêu đạt được tham vọng giàu sang. 

Ở một diễn biến khác, cậu hai Thịnh (Bạch Công Khanh) vốn thông minh đẹp trai bị mẹ kế hãm hại phải ngồi xe lăn, đầu óc bị ảnh hưởng.

Tham vọng giàu sang hiện trong top 10 phim/chương trình có lượng người xem cao nhất trên truyền hình. Có những tuần phim này dẫn đầu bảng xếp hạng.

Đây cũng là phim được bình luận rôm rả trên mạng xã hội. Các diễn viên có kinh nghiệm, diễn xuất tốt cũng là điểm cộng giúp phim thu hút khán giả.

Tuy nhiên, xem phim nhận ra mô típ khai thác sự hận thù, hoán đổi thân phận chị em… rất quen thuộc.

Nhân vật cậu hai do Bạch Công Khanh hóa thân cũng "khờ khờ, dại dại" như một số phim trước đó của anh từng đóng như Tiếng sét trong mưa, Đánh cắp giấc mơ, Ngày em đến, Duyên kiếp.

Diễn viên Yeye Nhật Hạ vào phim đẹp thì có đẹp nhưng trông "Tây" quá.

Bên cạnh nội dung phim khá quen thuộc đến phát nhàm, phim đề tài miền Tây, nhất là phim về cuộc sống hiện đại, vẫn thiếu góc nhìn thú vị và câu chuyện mang hơi thở cuộc sống.

Thiếu góc nhìn thú vị

Một đạo diễn chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Không có nhiều phim tái hiện được một cách chân thực đời sống cũng như phong tục tập quán, tính cách của con người miền Tây. Phần lớn đều minh họa, mô phỏng thực tế.

Nguyên nhân chủ yếu do kịch bản phim lấy đề tài về miền Tây nhưng câu chuyện thì "Tây hóa" rất nhiều. 

4a-17335517354811465425549.jpg

Phim Gió ngược ghi hình ảnh cuộc sống người dân Đồng Tháp - Ảnh: ĐPCC

Các phim này thường khai thác yếu tố drama, diễm tình nhằm thu hút một bộ phận khán giả, chứ không thực sự đi vào những vấn đề cốt lõi, đi sâu vào đặc tính văn hóa bản địa độc đáo của mảnh đất này. 

Thế nên nhiều khi xem phim chúng ta có cảm giác nội dung cốt truyện của phim không ăn nhập gì với bối cảnh".

Cũng theo đạo diễn này, hiện đạo diễn, biên kịch, diễn viên không có điều kiện đi thực tế nhiều để nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn nên không thể tránh khỏi sự thiếu chi tiết đặc thù tạo nên hồn cốt của nhân vật.

Nói về cái khó của phim nông thôn miền Tây, đạo diễn Hoàng Mập (thực hiện Gió ngược) kể: "Tôi sinh ra ở miền Tây Nam Bộ nên thích làm về người dân miền Tây, ghi lại cuộc sống và hình ảnh của quê mình.

Nhưng hiện làm phim về nông thôn miền Tây khó khăn lắm. Những nơi đoàn phim thường quay như Hóc Môn, Củ Chi giờ đô thị hóa nhiều. 

Đoàn phim phải đi xa để ghi hình khiến kinh phí đội cao. Chọn diễn viên cũng khó hơn vì diễn viên diễn giỏi chạy sô nhiều nên ngại đi xa".

Mặt khác, đạo diễn Hoàng Mập thẳng thắn: "Mấy nay tôi đi quay cứ nghe anh em bàn tán về những clip trên TikTok đang viral khắp mạng xã hội. 

Anh em lo lắng khi thấy phim truyền hình hiện nay phải cạnh tranh khốc liệt với công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Nếu không có sự thay đổi và bứt phá, phim truyền hình sẽ thoi thóp".

Bà Bích Liên, giám đốc Hãng phim Mega GS - đơn vị sản xuất Tham vọng giàu sang và khá nhiều thể loại phim xưa về miền Tây Nam Bộ, vẫn tự tin:

"Phim truyền hình là thể loại khác hoàn toàn, sản xuất cần chuyên nghiệp hơn và có sự kiểm duyệt gắt gao.

Nhưng tôi tin những bộ phim xưa, phim về đề tài nông thôn, cuộc sống người dân miền Tây Nam Bộ vẫn luôn có sức hút nhất định nếu làm chỉn chu và diễn viên tâm huyết".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022