music-bo-phim-doat-giai-kich-ban-xuat-sac-tai-lhp-berlin-2023-cua-nu-dao-dien-nguoi-duc-angela-schanelec-1723348247858301964475.jpeg

Music, bộ phim đoạt giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Berlin 2023 của nữ đạo diễn người Đức Angela Schanelec

Music của đạo diễn người Đức Angela Schanelec, đoạt giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin 2023.

Jon được xây dựng dựa trên nhân vật vua Oedipus trong bi kịch Hy Lạp. Cũng như Oedipus, Jon sinh ra không biết cha mẹ là ai, cũng vô tình giết cha đẻ và lấy mẹ ruột của mình. Rồi cũng như Oedipus, Jon trở nên mù lòa.

Nhưng khác với Oedipus, Jon không bao giờ biết bi kịch ấy, cho nên anh không tự chọc mù mắt mình bằng ghim áo của mẹ, không sống mãi với tội lỗi, anh tìm thấy sự xoa dịu trong đời bằng thiên nhiên và âm nhạc.

Tên phim là Music (Âm nhạc), nhưng bộ phim gần như không nhạc nền, gần như không thoại, chỉ có tiếng nước, tiếng gió, tiếng côn trùng, tiếng rừng, tiếng biển. Thi thoảng là tiếng hát nhưng cũng chỉ xuất hiện ở nửa sau bộ phim.

"Music" | Trailer | Berlinale 2023

Đầu tiên là những đoạn libretto hay motet (bản thánh ca ngắn) của nhà soạn nhạc cổ điển Antonio Vivaldi được người mẹ/ vợ thu lại trong cuốn băng cassette tặng Jon, như bản motet Filiae maestae Jerusalem về sự cứu rỗi, về sự hòa nhập của nỗi đau riêng và thiên nhiên chung.

Sau đó là tiếng hát của Jon và của Phoebe, cô con gái sinh ra từ cuộc hôn nhân nghiệt ngã. Phần lớn những đoạn ca hát của họ không đi kèm đệm nhạc, nếu có cũng là một phần đệm tối giản và hầu như là hát đơn ca hay song ca chứ không phải tốp ca như trong những dàn đồng ca Hy Lạp.

Những ca khúc trong phim như Milo, Scarlett moons, Look at me, Deer đều do một nhạc sĩ người Canada rất ít người biết tới sáng tác: Doug Tielli. Nếu tra trên Facebook, fanpage của anh có 359 người thích.

YouTube có không đầy 20 người theo dõi. Bạn có thể gọi đó là thứ âm nhạc gần như không khán giả.

Vậy mà ngay cả khi chẳng mấy ai nghe, thứ âm nhạc ấy vẫn thực sự là những áng mơ.

Giai điệu của chúng như đến từ những vị thần cổ xưa mà linh hồn còn tản mát trên những hòn đảo Hy Lạp hiện đại.

Lời ca của chúng ẩn mật, như hé lộ một ánh sáng nào đó từ phía bên kia của cõi sống, tràn ngập một thứ tình yêu cao khiết, không biên giới và một hy vọng tái sinh.

Giọng hát của Jon không tròn trịa nhưng cao vút như rót từ trời.

Hóa ra thế giới này vẫn có những kiểu làm nhạc như vậy, đẹp đẽ mà chẳng cần ai chiêm ngưỡng; hóa ra thế giới này vẫn có những bi kịch như bi kịch Hy Lạp, chỉ là chúng dữ dội trong âm thầm, mãnh liệt trong lặng lẽ và tuyệt không đẩy con người vào bước đường hủy diệt.

Trong một cảnh phim bí ẩn, xanh mướt, nằm ngoài những diễn giải lý tính nhưng lại có khả năng chữa trị mọi tâm tư cay đắng nhất của con người, một toán người mà ta không rõ là ai (vì máy quay thu lấy hình ảnh họ từ xa), đột nhiên xuất hiện giữa rừng, vừa tản mát vừa cùng cất tiếng hát chậm rãi, u linh:

"Ôi những vì sao, những đấng thần linh, thần bảo trợ ái tình, hỡi kẻ phản bội! Ta yêu người xiết bao. Người có thể bỏ ta một mình trong nước mắt".

Ta đoán rằng cũng như Jon hay Phoebe, để có được điều này nhất định phải mất đi điều khác, muốn có giọng hát hay phải trải qua bi kịch. Và như thế, có bao nhiêu bi kịch đã không được kể ra? Thay vào đó ta chỉ có tiếng ca.

screenshot-2024-08-11-at-105631-1723348618411889798383.png

Cảnh phim Music

Trong vở kịch gốc Oedipus Rex của kịch tác gia Sophocles, có một câu kinh điển: "Đừng ai ỷ y vào vận may của con người trước khi anh ta qua đời", ý là không ai bước qua đời sống dễ dàng được cả, tưởng may đấy mà không may đâu.

Nhưng trong bộ phim của Schanelec, nơi khổ nạn thì không lời và chỉ có tiếng hát là vang vọng, thì có lẽ câu trên nên viết ngược lại: Đừng coi bất hạnh là nghiễm nhiên. Đôi khi ta phải trả giá bằng bất hạnh để có được những ân phước khác, như giọng hát. Nhưng cái giá ấy là xứng đáng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022