Nadeem giành HC vàng ném lao nam Paris 2024 bằng thành tích 92,97 m, để phá kỷ lục Olympic tồn tại 16 năm với 2,4 m xa hơn. Anh đem về huy chương Olympic đầu tiên cho Pakistan kể từ Barcelona 1992, và là HC vàng đầu tiên từ Los Angeles 1984, đồng thời trở thành tay ném lao châu Á đầu tiên vượt qua mốc 90 m.

Tờ Hindustan Times miêu tả câu chuyện cuộc đời Arshad Nadeem "còn vĩ đại hơn HC vàng Olympic lịch sử". Trong khi đó, nhà báo thể thao Pakistan Altamish Jiwa nói với CNN rằng chiến thắng này đã vực dậy tinh thần đất nước.

arshad-nadeem-nem-lao-olympic-7545-1760-1723285669.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=T0tNrKc20jwJ-6t4h2vxmw

Arshad Nadeem thi đấu ném lao Olympic Paris 2024. Ảnh: AP

"Nadeem mang đến món quà hoàn hảo mà cả nước chờ đợi từ lâu", Jiwa cho biết. "Đó là cảm giác chiến thắng và niềm vui chung mà đất nước đã bị tước đoạt nhiều năm, không chỉ ở thể thao mà còn trong cuộc sống thường ngày".

Pakistan, với 242 triệu dân, đông thứ năm thế giới, như vỡ òa trong tiếng reo hò phấn khích sau chiến thắng của Nadeem. Anh nhận được nhiều lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo đất nước, biến ngôi làng Mian Channu quê hương vốn yên bình trở nên sôi động, rực rỡ sắc màu trong những điệu nhảy và pháo hoa.

Chiến thắng của VĐV sinh năm 1997 càng ấn tượng hơn khi anh lớn lên trong ngôi nhà gạch bùn ở vùng nông thôn nghèo đói của Pakistan. Nadeem xuất thân trong một gia đình có tám người con ở miền Trung Pakistan, với người bố Muhammad Ashraf là trụ cột duy nhất. Theo đuổi sự nghiệp thể thao trở thành thứ xa xỉ mà không ai tin Arshad có thể vươn tới.

Nơi Nadeem sống còn thiếu thốn những nhu cầu cơ bản nhất là điện và nước, chứ chưa nói đến cơ sở vật chất để theo đuổi giấc mơ thể thao. Anh từng thử sức với cricket, bóng đá, khúc côn cầu và kabaddi trước khi quyết định gắn bó với ném lao. Và khi còn trẻ, Nadeem buộc phải tập luyện trên những cánh đồng lúa mì địa phương bằng những cây lao tự chế.

"Chúng tôi tự chế lao bằng cách dùng cành bạch đàn dài với đầu bịt sắt", anh cả Shahid Nadeem nói với Reuters. "Chúng tôi cũng tự làm thiết bị tập tạ bằng thanh sắt, bình dầu và bê tông".

arshad-nadeem-nem-lao-olympic-7839-3210-1723285669.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7qpw3QMiZ6dxkKi8v_3iMw

Người dân làng Mian Channu ở Pakistan nhảy múa khi Nadeem giành HC vàng ném lao Olympic Paris 2024. Ảnh: AFP

Tình hình sau đó được cải thiện khi Nadeem vào làm tại một công ty điện lực địa phương, nơi có cơ sở vật chất thể thao riêng. Dù vậy, anh vẫn phải tập luyện với những cây lao kém chất lượng cho đến vài tháng trước khi lên đường dự Paris 2024.

Bà Razia Parveen – mẹ Nadeem – cho biết con trai đã phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Chính phủ Pakistan. Cuối cùng, ba cây lao đạt chuẩn quốc tế từ Nam Phi được gửi đến tay VĐV 27 tuổi, cùng một số trang thiết bị khác. Trước đó, Pakistan chủ yếu sử dụng nguồn lực hạn chế cho thể theo vào các trò chơi đồng đội và có truyền thống như cricket hay khúc côn cầu.

Không những vậy, chấn thương đầu gối và vai đã đeo bám VĐV 27 tuổi dai dẳng, như nhiều tay ném lao khác. Anh phải phẫu thuật nhiều lần và gần nhất là vào tháng 2 năm nay. Trước Thế vận hội, Nadeem còn bị nghi ngờ khả năng tham dự, chưa chưa nói đến việc giành huy chương.

Ngoài Nadeem, ba anh em khác đều từng là VĐV, nhưng "cơm áo gạo tiền" buộc anh cả Shahid và hai em trai từ bỏ đam mê để lo cho gia đình. Sự kiên trì và tố chất thiên phú của Nadeem dường như đã thay đổi vận mệnh gia đình, sau tấm HC vàng Olympic.

Thị trưởng Maryam Nawaz của tỉnh Pubjab, nơi Nadeem sinh ra, công bố thưởng gần 360.000 USD cho VĐV này. Con số có thể còn tăng khi một số khoản thưởng khác chưa được thống kê. Không những vậy, Arshad sẽ được chào đón như một người hùng khi trở về Pakistan. "Thủ tướng Shehbaz Sharif có thể sẽ ra đón", Chủ tịch Ủy ban Olympic Pakistan Mohammad Shafiq nói với Reuters.

Trung Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022