Phong trào trở thành chủ đề bàn tán sau khi các biểu ngữ phản đối xuất trên một cầu vượt cho người đi bộ ở thủ đô Jakarta hôm 29/9. Nội dung là "Người nhập tịch không phải là bản địa. Chúng tôi mới là những đứa trẻ sinh ra ở đây", đi kèm với tên Liên đoàn bóng đá Indonesia.

Biểu ngữ nhanh chóng lan truyền nhanh ở hai mạng xã hội thịnh hành tại Indonesia là X Instagram.

phong-trao-chong-nhap-tich-cau-1632-2257-1727867254.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_gyXdgLo8hP6dhtf5PoWyg

Biểu ngữ phản đối cầu thủ nhập tịch ở cầu vượt dành cho người đi bộ tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh X/Endragnwn

Thực tế, phong trào chống nhập tịch cầu thủ đã diễn ra từ lâu ở Indonesia, nhưng gần đây trở nên rầm rộ hơn sau khi ĐTQG ngày càng có nhiều cầu thủ mang dòng máu lai.

Ở đợt FIFA days tháng 9, Indonesia triệu tập 11 cầu thủ mang dòng máu lai. HLV Shin Tae-yong dùng chín cái tên trong đội hình xuất phát, để hoà hai đội mạnh Arab Saudi 1-1 và Australia 0-0 ở bảng C vòng loại ba World Cup 2026 – khu vực châu Á. Mạch thành công của Indonesia được nối dài từ đầu năm 2024, sau Asian Cup và vào bán kết U23 châu Á 2024.

Đến đợt tập trung tháng 10, số cầu thủ mang dòng máu lai tăng lên 13, với hai nhân tố mới là Mees Hilgers và Eliano Reijnders đang thi đấu tại giải vô địch Hà Lan. Hậu vệ Hilgers sinh năm 2001, vừa đá chính cùng FC Twente hoà Man Utd 1-1 ở vòng bảng Europa League. Còn Reijnders sinh năm 2000 đang đá chính cho PEC Zwolle, quyết định chơi cho đội tuyển quê hương mẹ sau khi anh trai Tijjani có suất ở tuyển Hà Lan.

Ba cầu thủ gốc Hà Lan nhập tịch thành công khác, nhưng thuộc lứa U20 là Dion Markx (U21 NEC Nijmegen), Tim Geypens (FC Emmen) và Mauresmo Hinoke (TOP Oss).

indonesia-australia-vong-loai-8551-1377-1727867254.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=beUAh8nBrtpw8JDofAn48w

Đội hình xuất phát Indonesia trong trận hòa Australia 0-0, ở vòng loại ba World Cup 2026, chỉ có hai cầu thủ bản địa là Rizky Ridho (hàng dưới phải) và Marselino Ferdinan (hàng dưới giữa). Ảnh: Timnas Indonesia

Không chỉ biểu ngữ, một số nhân vật có vai vế đã lên tiếng chỉ trích, trong đó có thành viên Hạ viện Indonesia. Trong khi đó, thành viên Uỷ ban Olympic Indonesia Hifni Hasan đã trực tiếp trao đổi với HLV Shin. "Tôi đã cố gắng nói với ông ấy rằng đừng đưa quá nhiều cầu thủ nhập tịch vào bóng đá Indonesia", Hasan nói với tờ Suara. "Tôi là người cứng rắn trong vấn đề nhập tịch".

HLV trưởng Indonesia thì khẳng định không thể phủ nhận sự xuất hiện của cầu thủ mang dòng máu lai giúp ĐTQG lên tầm cao mới. Ông mong phe phản đối có cái nhìn thoáng hơn với các cầu thủ nhập tịch, thay vì coi điều này cản trở sự phát triển của cầu thủ bản địa.

Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) cho rằng nhập tịch cầu thủ mang dòng máu lai là chương trình dài hạn, nhưng không phải trọng tâm. Các kế hoạch phát triển đào tạo trẻ, HLV và giải quốc nội mới là nền tảng cho sự phát triển của nền bóng đá.

Thành viên PSSI Arya Sinulingga nói: "ĐTQG là thứ chúng tôi muốn cải thiện trước tiên, vì nó không có sự can thiệp từ nhiều người. ĐTQG trỗi dậy thì sự quan tâm của người dân với bóng đá tăng cao, sau đó lan rộng xuống các CLB và nhiều thứ khác".

HLV Shin đã triệu tập 27 cầu thủ, chuẩn bị cho trận làm khách trước Bahrain ngày 10/10 và Trung Quốc ngày 15/10, tại vòng loại ba World Cup 2026. Indonesia đang đứng thứ tư với hai điểm, lần lượt kém Bahrain một điểm, Arab Saudi hai điểm và Nhật Bản bốn điểm. Đội hướng tới cạnh tranh vị trí thứ ba và bốn để có thể vào vòng loại thứ tư.

Trung Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022