Salukvadze lần đầu dự Olympic ở tuổi 19 tại Seoul 1988, khi bà giành HC vàng nội dung 25m súng ngắn và HC bạc 10m súng ngắn cho Liên Xô cũ. Bà hoàn thành bộ sưu tập huy chương với HC đồng 10m súng ngắn tại Bắc Kinh 2008.

nino-2-5558-1721492264.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y9FiZDFPTSn1W-LO7snUkw

Salukvadze là niềm tự hào của thể thao Gruzia. Nữ xạ thủ 55 tuổi đứng cạnh bảng thông tin hình ảnh vinh danh chiến tích của giành trọn bộ HC vàng bắn súng của bà tại bảo tàng Thể thao Gruzia. Ảnh: Georgia Online

Từ Seoul 1988, nữ xạ thủ này luôn góp mặt tại mọi kỳ Thế vận hội, tại Barca, Atlanta, Sydney, Athens, Bắc Kinh, London, Rio và Tokyo. Tiếp tục thi đấu tại Paris 2024, Salukvadze sẽ làm nên lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên thi đấu 10 kỳ Thế vận hội liên tiếp.

Lịch sử Olympic hiện đại mới ghi nhận một VĐV dự 10 kỳ, là VĐV cưỡi ngựa người Canada Ian Millar. Nhưng ông không dự 10 kỳ Thế vận hội liên tiếp như Salukvadze. Millar lần đầu dự Olympic vào năm 1972 ở tuổi 25. Sau đó, ông góp mặt tại Canada 1976, vắng mặt tại Moscow 1980, rồi liên tiếp dự Olympic giai đoạn 1984-2012.

"10 kỳ Olympic, đó là cả cuộc đời tôi", Salukvadze nói từ Baku, nơi bà đang hoàn tất khâu chuẩn bị cho Paris 2024. "Sau lần đầu tham dự, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ thi đấu trong 10 kỳ Thế vận hội liên tiếp. Tôi sẽ phải viết cả một cuốn sách về hành trình này, nhưng niềm hưng phấn mà tôi trải qua sau mỗi chiến thắng vẫn thôi thúc tôi tập luyện chăm chỉ mỗi ngày".

6699d6b5a31095c551b56f98-9062-1721492264.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PNUfQrCbqGDkC7lKb4o6EA

Bà Salukvadze ngắm bắn khi thi đấu 25m súng ngắn hơi nữ Thế vận hội 2026 tại Rio de Janeiro. Ảnh: Reuters

Cuốn sách mà Salukvadze đề cập chắc chắn sẽ có một chương dành cho Vakhtang - người cha đã huấn luyện bà từ nhỏ. Trải nghiệm tại Rio, nơi Salukvadze và Tsotne Machavariani trở thành bộ đôi mẹ con đầu tiên thi đấu tại cùng một Thế vận hội - là dấu ấn đậm nét khác.

Salukvadze thừa nhận từng định giải nghệ sau Tokyo 2020, giải đấu bị hoãn một năm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng quyết tâm thi đấu tiếp tại Paris vì ước nguyện của người cha quá cố.

"Sau Tokyo, tôi đã định từ bỏ", bà kể. "Nhưng cha tôi, 93 tuổi, nói với tôi 'Chỉ còn ba năm nữa là đến Paris, và có lẽ con có thể cố gắng lập kỷ lục'. Tôi nghĩ bố chưa bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì và đây có thể là yêu cầu cuối cùng của ông. Vì vậy, tôi đồng ý và nỗ lực hết mình. Giờ đây, khi cha tôi đã qua đời, tôi vẫn vui mừng vì đã thực hiện được ước nguyện đó".

sdgy8x3swrclqor0agl9-172149225-3036-6507-1721492264.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HwCpw7kZ4ovWaJg9dJFjPQ

Bà Salukvadze và con trai Tsotne Machavariani tại trường bắn ở Olympic Rio 2016. Ảnh: X / Tsotne Machavariani

Salukvadze nửa đùa nửa thật việc con trai cũng gây áp lực buộc bà phải thi đấu tiếp. "Con trai tôi bảo rằng, nếu tôi giải nghệ, nó cũng nghỉ theo", nữ xạ thủ 55 tuổi bày tỏ.

Salukvadze trân quý từng kỷ niệm khi thi đấu tại Thế vận hội. Bà nhớ được người hâm mộ ở Seoul tặng quà, thi đấu cùng con trai ở Rio và chứng kiến cách Tokyo tổ chức Thế vận hội giữa đại dịch. Nhưng hình ảnh đẹp nhất đến tại Bắc Kinh 2008, khi Salukvadze ôm lấy đối thủ người Nga Natalia Paderina trên bục vinh quang. Vào ngày khai mạc Thế vận hội năm đó, Gruzia và Nga xảy ra xung đột.

"Mỗi kỳ Thế vận hội đều đáng nhớ theo cách riêng, nhưng tôi sẽ chọn ra Bắc Kinh", Salukvadze nói. "Olympic được tạo ra để hướng tới hòa bình. Đó là lý do chúng tôi bị sốc khi chứng kiến vụ xung đột nổ ra vào ngày khai mạc Thế vận hội. Tôi không thể tưởng tượng được điều này".

afp-1721491587-8331-1721492264.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=67fXk_XHLJ0gF14EWR-sRQ

Xạ thủ Nga Natalia Paderina - HC bạc - và Salukvadze - chủ nhân HC đồng - ôm nhau thân thiện trong lễ trao giải 10m súng ngắn hơi nữ Olympic Bắc Kinh 2008. Ảnh: AFP

Với Paris 2024, các sự kiện bắn súng sẽ được tổ chức cách 270 km về phía bắc, ở Chateauroux. Salukvadze xem việc di chuyển ra xa cụm địa điểm chính là đi ngược lại tinh thần đoàn kết của Thế vận hội. "Tôi cảm thấy hơi buồn khi chúng tôi sẽ không có mặt tại Làng Olympic ở Paris", bà bày tỏ. "Olympic này được tổ chức giống như một giải vô địch hơn. Bản chất của Thế vận hội là mọi người phải sống cùng nhau trong suốt một tháng đó".

Hồng Duy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022