Ngày 28/7, hạt giống số một Vivian gặp hạt giống số hai người Pháp Auriane Mallo-Breton, ở chung kết kiếm ba ca cạnh. Từ thế bị dẫn 1-7, cô ngược dòng gỡ hòa 12-12 để bước vào hiệp phụ, trước khi ghi điểm quyết định để đem về HC vàng đấu kiếm nữ đầu tiên trong lịch sử Hong Kong.
Vivian ca ngợi đối thủ là kiếm thủ tuyệt vời, rồi nói đùa rằng bí quyết chiến thắng là đổi kiếm. Cô cho biết: "Tôi chỉ dùng một thanh kiếm ở mọi trận trước đó. Nhưng vì Auriane thuận tay trái, tôi quyết định dùng thanh khác. Tôi hết cách rồi".
Vivian khóc khi nhận HC vàng kiếm ba cạnh cá nhân nữ Olympic Paris 2024. Ảnh: Xinhua
Chiến thắng lịch sử của Vivian không chỉ truyền cảm hứng và tạo làn sóng ăn mừng ở Hong Kong. Cô gái sở hữu nét đẹp nhẹ nhàng còn được ca ngợi không ngớt trên mạng xã hội khắp thế giới, về màn trình diễn xuất sắc, tinh thần không bỏ cuộc cùng nụ cười tỏa nắng. Trên Weibo, người hâm mộ đặt cho cô biệt danh "nữ hoàng mỉm cười môn đấu kiếm".
Trên Instagram, Vivian đã có hơn 460.000 lượt theo dõi. Nhưng trước khi trở thành nhà vô địch đấu kiếm Olympic, cô từng học múa ballet và taekwondo, đồng thời vẫn đang theo đuổi con đường học thuật ngành luật. Với chiều cao 1,78 m, cô hoàn toàn có thể theo nghiệp người mẫu nhưng kiên định với con đường thể thao. Kiếm thủ 30 tuổi còn gặp chấn thương nặng đầu gối hai lần, nhưng vẫn vượt qua để đi đến đỉnh cao.
Vivian, tên đầy đủ là Vivian Kong Man Wai, sinh ngày 8/2/1994, từng chuyển đến Canada sống năm hai tuổi, rồi lại về Hong Kong bốn năm sau. Từ nhỏ, cô tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như chơi piano, vẽ tranh, múa ballet hay trượt băng. Cô còn thích chơi đàn tranh Trung Quốc, yêu thích và đã giành đai đen taekwondo.
Mẹ Vivian khuyến khích con gái theo đuổi múa ballet và trượt băng. Nhưng trong một chia sẻ với Liên đoàn Đấu kiếm Thế giới, cô thừa nhận không giỏi cả hai môn. Năm 11 tuổi, ông KF Kong giới thiệu con gái đến với đấu kiếm. Vivian ngay lập tức bị cuốn hút, thấy đấu kiếm là sự kết hợp giữa tốc độ của taekwondo và duyên dáng của múa ballet. Có vẻ bố hiểu Vivian hơn mẹ, vì chỉ mất hai năm tập luyện, cô lập tức chứng minh năng lực.
Ở tuổi 13, Vivian Kong đã vô địch quốc gia U17 tại Trung Quốc. Cô được dẫn dắt bởi những HLV hàng đầu, đồng thời lấy cảm hứng từ cựu kiếm thủ thuận tay trái người Romania Ana Maria Popescu – nhà vô địch kiếm ba cạnh Rio 2016, cùng hai lần vô địch thế giới 2010 và 2011.
Chứng kiến sự thăng tiến của Vivian, Canada đã không ngừng theo đuổi "viên ngọc thô". Chính phủ nước này mời cô nhập tịch và đại diện cho họ thi đấu, nhưng bị từ chối. Vivian nói rằng cô chỉ muốn đại diện cho nơi mình được sinh ra.
Vivian là VĐV Hong Kong thứ ba giành HC vàng Olympic trong lịch sử. Ảnh: Reuters
Để chuẩn bị cho Rio 2016, Vivian Kong đã tạm nghỉ học để dồn sự tập trung, rồi đấu tập với một số đối thủ giỏi nhất. Cuối cùng, cô gái khi ấy 22 tuổi đánh bại nhà VĐTG 2009 Lyubov Shutova (Nga), để trở thành kiếm sĩ Hong Kong đầu tiên thắng một trận tại Thế vận hội.
Kể từ đó đến nay, Vivian gặt hái thêm nhiều thành tích, khiến gia đình cô đôi lần phải sửa tủ đựng huy chương, đã có 11 HC vàng, năm HC bạc và chín HC đồng. Nổi bật trong số này là HC vàng World Cup kiếm ba cạnh 2019, hai HC đồng vô địch thế giới 2019 và 2022. Ngoài ra, cô giành một HC bạc và năm HC đồng ASIAD, ba HC vàng, bốn HC bạc và sáu HC đồng giải vô địch châu Á.
Vivian, với chiến thắng ở nội dung kiếm ba cạnh, mới là người Hong Kong thứ ba đạt HC vàng Olympic. Hai người trước là cựu VĐV Lee Lai-shan vô địch lướt ván nữ tại Atlanta 1996, và Cheung Ka Long tại kiếm liễu cá nhân nam Tokyo 2020 và Paris 2024.
Không chỉ xuất sắc trong thể thao, Vivian còn có năng khiếu về học thuật và nghệ thuật. Trang Augustman miêu tả cô là "đứa con trong mơ của mọi bậc phụ huynh châu Á". Cô theo học những trường tốt nhất ở Hong Kong, rồi tốt nghiệp chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Stanford Mỹ năm 2016.
Vivian tiếp tục học lên cao học, lấy bằng thạc sĩ luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc năm 2019. Trong khi theo đuổi giấc mơ Olympic, cô cũng theo học lên tiến sĩ luật tại Đại học Trung văn Hong Kong. Ba ngôn ngữ Vivian thông thạo là tiếng Quảng Đông, Quan Thoại và tiếng Anh.
Cuối cùng, vị thạc sĩ luật này mong muốn được làm việc cho Liên Hợp Quốc, sau khi đã dành nhiều nỗ lực cho các vấn đề nhân đạo và những chiến dịch từ thiện. Trong đại dịch Covid-19, cô đã tương tác trực tuyến với các gia đình gặp khó khăn, để cung cấp, hỗ trợ và phân phối các vật dụng thiết yếu, cho các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân, có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Vivian (giữa) giao lưu với học sinh tiểu học Hong Kong sau khi dịch Covid-19 hạ nhiệt. Ảnh: Instagram/vmwkong
Những biến cố lớn nhất trong sự nghiệp Vivian Kong có lẽ là chấn thương. Năm 2017, cô bị rách dây chằng chéo trước đầu gối trái. Bước ngoặt ấy lại giúp kiếm thủ sinh năm 1994 quyết định chuyển từ ăn kiêng Pescatarian (chỉ ăn rau xanh và các loại hải sản) sang ăn chay hoàn toàn. Kết hợp với quá trình tập hồi phục, Vivian trở lại thi đấu sau ba tháng. Cô cũng cho rằng sự thay đổi này không chỉ duy trì thể trạng tốt nhất mà còn giúp minh mẫn và tập trung hơn – những phẩm chất thiết yếu đối với một VĐV chuyên nghiệp ở các giải quốc tế.
"Dù sống ở nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau, tôi không còn muốn ăn những động vật khác", Vivian nói trong cuộc phỏng vấn với Dimsumsdaily. Triết lý này vượt ra ngoài vấn đề ăn uống, khi Vivian tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến môi trường, bao gồm dọn dẹp và các dự án bảo tồn biển.
Vivian Kong (phải) được báo chí săn đón tại sân bay Hong Kong sáng 1/8. Ảnh: SCMP
Thói quen ăn uống của Vivian Kong còn liên quan chặt chẽ đến đạo Phật. Những lời dạy và triết lý tâm linh giúp cô vượt qua căng thẳng và duy trì cân bằng tinh thần giữa sự khắc nghiệt trong cạnh tranh thể thao đỉnh cao. Kiếm sĩ Hong Kong cũng nghiên cứu đạo Phật, tập yoga và chia sẻ hiểu biết trên mạng xã hội để truyền cảm hứng cho những người theo dõi cô.
Trở về Hong Kong vào sáng 1/8, Vivian được chào đón như người hùng dân tộc tại sân bay, với hơn một trăm người hâm mộ đứng chờ. Khi được hỏi về dự định dùng số tiền thưởng HC vàng khoảng 768.000 USD, cô cho biết muốn thành lập một quỹ từ thiện hoặc doanh nghiệp xã hội dành cho trẻ em đam mê đấu kiếm, đồng thời mua quà cho đội, HLV và bạn cùng phòng.
"Đấu kiếm có tiêu chuẩn đầu vào cao vì đòi hỏi nhiều thiết bị, lại ít địa điểm thi đấu", Vivian cho biết. "Tôi hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ quan tâm đến môn thể thao này hơn".
Hiếu Lương