Cuộc thanh tra diễn ra từ ngày 29/7 và được công bố kết quả vào ngày 5/11. MCST xác định KFAT mắc 27 vi phạm trong ba vấn đề, gồm quá trình bổ nhiệm HLV Jurgen Klinsmann và Hong Myung-bo cho đội tuyển Hàn Quốc, lệnh ân xá cho những cầu thủ bán độ và dự án xây dựng Trung tâm bóng đá Quốc gia Cheonan.

"Chúng tôi yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc hoặc ít nhất là đình chỉ chức vụ với Chủ tịch KFA Chung Mong-gyu và các quan chức liên quan", Tổng thanh tra MCST Choi Hyun-joon nói. "Họ phải chịu trách nhiệm về sai sót trong quy trình bổ nhiệm HLV ĐTQG và quản lý tổ chức kém".

bong-da-han-quoc-chu-tic-chung-9047-6767-1730892338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=myZWMWi0u2KPWuHC-8tb5Q

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc Chung Mong-gyu (giữa) điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 9/2024. Ảnh: Yonhap

MCST yêu cầu KFA lập kế hoạch khắc phục những sai sót trong thủ tục, bao gồm cả khả năng bổ nhiệm lại HLV ĐTQG. Trước đó, KFA sa thải Klinsmann vào tháng 2, rồi bổ nhiệm Hong Myung-bo vào tháng 7, sau năm tháng đánh giá khoảng 100 ứng viên.

MCST cho biết Chủ tịch Chung Mong-gyu không có thẩm quyền giới thiệu HLV, nhưng vượt quyền vốn thuộc về Uỷ ban tăng cường sức mạnh các ĐTQG và Hội đồng quản trị KFA. Trong quá trình bổ nhiệm Klinsmann, KFA đã yêu cầu trao toàn quyền cho người đứng đầu Uỷ ban khi ấy là Michael Muller ở cuộc họp đầu tiên, rồi thông báo kết quả ở cuộc họp thứ hai. Chủ tịch KFA còn trực tiếp tiến hành phỏng vấn và bỏ qua quy trình bổ nhiệm theo quy định. Quá trình bổ nhiệm Hong Myung-bo cũng bỏ qua đánh giá của Uỷ ban ĐTQG và HĐQT KFA, thay vào đó Giám đốc kỹ thuật Lee Lim-saeng tiến hành phỏng vấn theo lệnh Chủ tịch Chung, dẫn đến thiên vị với hai ứng viên còn lại.

Không chỉ ở ĐTQG, MCST cho biết có 42 trong 43 HLV ở 10 đội tuyển bóng đá, đã không được bổ nhiệm đúng quy trình. Một số HLV còn thiếu bằng cấp tối thiểu theo quy định bắt buộc của LĐBĐ châu Á (AFC).

hong-myung-bo-son-heung-min-ha-9916-3468-1730892338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YMXdoEeuYIoJrLrLQCGmsA

HLV Hong Myung-bo (giữa) động viên Son Heung-min (trái) sau khi Hàn Quốc hòa Palestine 0-0 ở lượt ra quân vòng loại ba World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, KFA phủ nhận các cáo buộc của MCST. Liên đoàn khẳng định chủ tịch Chung không phỏng vấn mà chỉ trao đổi với các ứng viên về điều kiện làm việc. Trong khi đó, ông Muller và Lee đều chỉ thực hiện các bước cần thiết sau khi Uỷ ban tăng cường sức mạnh các ĐTQG đã chốt ứng viên.

Về dự án xây dựng Trung tâm bóng đá QG Cheonan, MCST phát hiện KFA có dấu hiệu gian lận trong đơn xin trợ cấp của Chính phủ trị giá 5,6 tỷ won (tương đương 102 tỷ đồng). Theo đó, Liên đoàn đã xây dựng không gian văn phòng thay vì xây dựng một SVĐ thu nhỏ như báo cáo. Những người liên quan bị đề nghị kỷ luật cùng mức đền bù 24 tỷ won. Ngoài ra, KFA bị cáo buộc vi phạm pháp luật, vì ký hợp đồng với một ngân hàng có giá trị 61,5 tỷ won mà không có sự chấp thuận của Bộ.

Tổng thanh tra MCST Choi Hyun-joon khẳng định sẽ sử dụng mọi phương án để biến KFA thành "tổ chức công bằng, minh bạch và bình thường". Nếu KFA không tuân theo khuyến nghị của Bộ, Chính phủ có thể mở cuộc điều tra khác.

FIFA quy định các Liên đoàn thành viên phải có quyền tự chủ. Liên đoàn sẽ nhận án phạt nếu được xác định bị tác động bởi bên thứ ba, gồm cấm dự các giải đấu quốc tế. Vì vậy, MCST có quyền yêu cầu hình phạt, nhưng không có thẩm quyền thi hành mà phải do KFA.

FIFA đang quan sát kỹ sự việc và gửi thư cho KFA vào tháng 10, để nhắc nhở liên đoàn "quản lý công việc một cách độc lập". Ngày 28/10, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino một lần nữa nhắc lại tầm quan trọng của quyền tự chủ trong chuyến thăm Hàn Quốc. "Ví dụ, KFA phải tự quyết định ai là HLV ĐTQG, cũng như tất cả các quyết định thể thao khác", ông Infantino cho hay.

Tuy nhiên, FIFA cho biết các liên đoàn cũng phải tuân thủ luật pháp trong nước. Ngày 25/10, FIFA phản hồi thư của MCST, cho biết nắm được tình hình chính phủ Hàn Quốc đang thanh tra để đảm bảo KFA quản lý tốt nền bóng đá trong khuôn khổ luật pháp quốc gia. "Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng nguyên tắc tự chủ của liên đoàn", thư của FIFA có đoạn.

bong-da-han-quoc-chu-tic-chung-3008-7075-1730892338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Iu5M8BEH6m4sqOh2V5fJwA

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (trái) gặp gỡ chủ tịch Chung Mong-gyu tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc vào tháng 10/2024. Ảnh: Yonhap

Bóng đá Hàn Quốc rơi vào hỗn loạn dưới thời Chủ tịch Chung Mong-gyu, kể từ khi dừng bước ở vòng 1/8 World Cup 2022, khiến HLV Paulo Bento từ chức. Sau đó, đội không hoàn thành mục tiêu vô địch Asian Cup 2023. Tại giải đó, hai ngôi sao Son Heung-min và Lee Kang-in đã ẩu đả trước bán kết thua Jordan 0-2. Sau khi sự việc bị phanh phui, KFA phải sa thải HLV Klinsmann. Hàn Quốc sau đó còn bị Indonesia loại ở tứ kết U23 châu Á 2024, dẫn đến mất vé dự Olympic sau chín kỳ liên tiếp góp mặt.

Trước khi bị MCST thanh tra sai phạm, Chủ tịch Chung bị dư luận và truyền thông Hàn Quốc gây sức ép từ chức. Ông thậm chí phải ra Quốc hội để điều trần, nhưng khẳng định không sai trong công tác điều hành.

Trung Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022