Robinson, với những chiếc huy hiệu và đồ trang trí trên người, là CĐV nổi bật nhất tại Thế vận hội 2024. Bà đã xem bảy kỳ Thế vận hội trong suốt 40 năm, nhưng chuyến đi tới Paris lần này có chi phí đắt đỏ nhất, tới 10.000 USD.

Robinson đã sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng, làm hai công việc để đủ tiền cho chuyến đi đến thủ đô nước Pháp và mua vé 38 vé vào sân xem các sự kiện tại Olympic 2024.

cdv-5361-1722488066.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y1zEblTXaOO4Fc4anU7AJQ

Robinson, 66 tuổi đến từ Los Angeles, làm hai công việc và sử dụng hết tiền tiết kiệm để đến Paris theo dõi Thế vận hội. Ảnh: AP

Ban ngày, CĐV 66 tuổi đến từ Los Angeles này làm việc ở bãi biển Venice, và ghi tên trên những chiếc vòng cổ bằng gạo và đóng gói hàng tạp hóa vào buổi tối. Bà cho biết phải làm việc thêm hai năm nữa để bù lại số tiền đã bỏ ra theo đuổi đam mê với Paris 2024, nhưng không hối tiếc.

"Thật khó để tiết kiệm và số tiền để dự Thế vận hội thì lớn, nhưng việc có mặt ở đây đáng giá gấp ngàn lần", Robinson nói với hãng thông tấn AP.

Dù vậy, bà vẫn thất vọng khi mất 1.600 USD cho lễ khai mạc chỉ để xem màn hình trên một cây cầu. "Bạn có biết phải mất bao lâu để kiếm được số tiền đó không?", người phụ nữ 66 tuổi hỏi và nói tiếp. "Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và bạn phải chấp nhận đánh đổi một số thứ để có được những thứ khác".

Trong buổi phỏng vấn, một người qua đường đã khuyên Robinson mở một tài khoản và nhờ mọi người giúp đỡ ủng hộ cho đam mê này. "Điều đó không quan trọng. Cuối cùng tôi cũng kiếm được tiền", bà đáp.

cdv2-8651-1722488066.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sqKUwPTI8OMt10NE7tdTpw

Robinson chụp ảnh kỷ niệm khi dự Thế vận hội Paris 2024. Ảnh: AP

Niềm đam mê của Robinson với Thế vận hội bắt đầu khi mẹ của bà làm phiên dịch cho các VĐV tại Đại học California, Los Angeles, trong Thế vận hội 1984. Mẹ thường về nhà sau giờ làm việc với những chiếc huy hiệu của các VĐV và đưa cho con gái.

Sở thích mới là sưu tầm ghim cài áo đã đưa Robinson đến Atlanta 1996, nơi bà làm vòng cổ gạo cho các VĐV để đổi lấy ghim cài áo của họ. "Tôi có tất cả các huy hiệu và được gặp tất cả các VĐV", Robinson nhớ lại. "Khi đó, an ninh không nghiêm ngặt như bây giờ. Bây giờ, bạn thậm chí không thể đến gần làng VĐV".

Kể từ đó, Robinson góp mặt tại Sydney 2000, Athens 2004, London 2012 và Rio 2016. Bà xin được thị thực đến Bắc Kinh 2008, nhưng cuối cùng không đủ khả năng chi trả cho chuyến đi. Tương tự tại Tokyo 2020, bà đã mua vé nhưng sau đó được hòan tiền bởi Thế vận hội tổ chức mà không có khán giả, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

cdv1-9107-1722488066.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=keeYUpH7H5bRZRFt8FxOgw

Robinson để một người qua đường chọn một trong những chiếc huy hiệu mà bà sưu tập từ Thế vận hội 1984. Ảnh: AP

Trang phục của Robinson ban đầu đơn giản nhưng trở nên phức tạp hơn theo thời gian. Bà dành một năm để hoàn thiện trang phục tại Paris, trang trí nó với hàng trăm món đồ. Hàng chục đồ trang trí hình tháp Eiffel treo trên mũ, ngay phía trên đôi bông tai nhẫn Olympic. Quần áo của bà thì có những miếng vá, huy hiệu và những lá cờ nhỏ.

Trang phục của Robinson thu hút sự chú ý lớn trên đường phố Paris. Không một phút nào trôi qua mà không có người nào dừng lại và ngỏ ý chụp ảnh với bà. "Tôi hơi choáng ngợp. Tôi thực sự không thể đi đâu vì mọi người đều chặn tôi lại để chụp ảnh. Phải mất một thời gian dài để đến địa điểm thi đấu, nhưng không sao", bà bày tỏ.

Ngay khi Paris 2024 khép lại, Robinson sẽ hướng tới kỳ Olympic tiếp theo, từ việc chuẩn bị trang phục cho đến tiết kiệm tiền mua vé, bất kể chi phí là bao nhiêu, dù Thế vận hội 2028 sẽ diễn ra trên quê nhà Los Angeles. "Tôi sẽ làm điều đó mãi mãi, tôi sẽ dùng hết tiền và chỉ tập trung vào Thế vận hội", bà nói.

Hồng Duy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022