1. Hình thành chất gây hại trong nước lẩu
Ninh thịt và xương lâu có thể giải phóng purine - chất chuyển hóa thành axit uric. Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Mỹ, lượng axit uric dư thừa có thể tích tụ trong các khớp và mô, gây ra bệnh gout hoặc sỏi thận. Thịt nấu lâu ở nhiệt độ cao sinh ra các amin dị vòng (HCA) - chất liên quan đến ung thư.
Bạn nên sử dụng nước lẩu ít chất béo, ít purine (có nhiều trong hải sản, thịt đỏ) hoặc thay nước lẩu sau 1 thời gian ăn.
Ăn lẩu quá lâu không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Ban Mai
2. Mất dinh dưỡng ở rau
Rau là thành phần quan trọng trong món lẩu, cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tuy nhiên, nếu rau được nấu quá lâu trong nước lẩu sôi, giá trị dinh dưỡng sẽ giảm đáng kể.
Vitamin B, C dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao hoặc hòa tan vào nước lẩu. Theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, thời gian nấu lâu có thể làm mất đến 50-70% hàm lượng vitamin C.
Vitamin tan trong chất béo như A, D cũng bị giảm tác dụng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao quá lâu. Chất xơ trong rau cũng mất đi kết cấu tự nhiên, làm giảm khả năng hỗ trợ tiêu hóa.
Do đó, bạn nên chia nhỏ rau khi cho vào nồi, vớt ra ngay khi vừa chín tới (thường sau 1-2 phút).
3. Tăng nồng độ natri và chất béo
Khi thời gian ăn lẩu kéo dài, nước dùng thường bị đun sôi liên tục, khiến nước bốc hơi và nồng độ các chất trong nước lẩu tăng lên. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như:
Natri tăng cao: Khi nước lẩu cạn, muối và gia vị trở nên cô đặc, làm mất cân bằng điện giải, gây áp lực cho hệ tim mạch, tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ.
Chất béo tích tụ: Các loại thịt mỡ và thực phẩm chế biến sẵn (chả cá, xúc xích) giải phóng chất béo vào nước lẩu khi nấu lâu, khiến món ăn trở nên giàu năng lượng, góp phần làm tăng cholesterol xấu, dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
Bởi vậy, bạn nên sử dụng nước lẩu ít muối nhất có thể, vớt bỏ lớp mỡ nổi trên bề mặt nước lẩu.
4. Gây áp lực tiêu hóa
Thời gian thưởng thức kéo dài thường làm tăng nguy cơ ăn uống không kiểm soát. Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Học viện Dinh dưỡng Mỹ, việc ăn uống như vậy làm tăng nguy cơ tiêu thụ dư thừa calo, dẫn đến béo phì và các vấn đề chuyển hóa như bệnh tiểu đường loại 2.
Ăn liên tục các món nhiều đạm, dầu mỡ, cay nóng làm tăng gánh nặng cho dạ dày, dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu hoặc trào ngược.
Lời khuyên của chuyên gia là bạn nên ngừng ăn khi cảm thấy ngang dạ, tránh các món nhiều dầu mỡ hoặc quá cay.
5. Nguy cơ từ đồ chế biến sẵn nhúng lẩu
Các món chiên sẵn như cá viên, chả cá, hoặc hoành thánh chiên thường được ưa chuộng trong bữa lẩu nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do chứa acrylamide và dầu chiên tái sử dụng.
Acrylamide là hợp chất hình thành khi thực phẩm chứa tinh bột được chiên ở nhiệt độ cao. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), acrylamide có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiêu thụ thường xuyên.
Khi các món chiên được đun lại trong nước lẩu, hóa chất này có thể hòa tan vào nước. Phần lớn các món chiên sẵn được chế biến bằng dầu chiên nhiều lần, sinh ra chất gây oxy hóa lipid, tăng nguy cơ viêm nhiễm, bệnh tim mạch…
Giải pháp an toàn là thay các món chiên bằng thực phẩm tươi như thịt, cá, đậu phụ.
Theo VietNamnet