Hà Nội ngàn năm văn hiến không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn là nơi hội tụ của những giá trị tâm linh sâu sắc. Bên cạnh những địa điểm quen thuộc như chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ cầu danh, chùa Hà cầu duyên,... thì có một ngôi đền linh thiêng khác, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa, được người dân Hà Nội và du khách thập phương tìm đến để cầu tài lộc, nguyện ước bình an.
"Cầu duyên thì đi chùa Hà
Cầu tài cầu lộc Bia Bà La Khê".
Đền Bia Bà, một chốn tâm linh bình dị nhưng ẩn chứa sự kết nối sâu sắc giữa con người và các giá trị tinh thần. Những điều bí ẩn và linh thiêng tại ngôi đền này có gì đặc biệt khiến nhiều người gửi gắm lòng tin và hy vọng qua câu ca dao này đến như vậy?
![den-bia-ba-la-khe-13-17393867486751823213914.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-13-17393867486751823213914.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-12-17393867486001609545223.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-12-17393867486001609545223.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-8-1739386748691633524443.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-8-1739386748691633524443.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-10-17393867488121122075386.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-10-17393867488121122075386.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-9-1739386748788639100231.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-9-1739386748788639100231.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-4-1739386748689832077951.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-4-1739386748689832077951.jpg)
Khuôn viên Khu di tích tọa lạc trên diện tích hơn 2000m2.
Đền Bia Bà - thờ Đức thánh Bà Trần Thị Hiền
Điểm nhấn đặc biệt trong cụm di tích là đền thờ Đức thánh Bà Trần Thị Hiền, một nhân vật lịch sử nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu và đức độ. Đức thánh Bà Trần Thị Hiền xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, là con gái đại thần triều Lê, cụ Dũng Quận Công Trần Chân. Bà không những giỏi nữ công gia chánh mà còn thạo văn chương, thơ phú.
Theo văn bia khắc đá tại đình La Khê, bà lớn lên từ vùng đất La Khê càng ngày càng xinh đẹp, thục hạnh, đoan trang như chính cái tên cha mẹ đặt cho bà lúc sinh thời, năm 16 tuổi (1527), với đức hạnh của mình, bà được vua Mạc Đăng Dung hỏi cưới cho con trai là Hoàng tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, khi Hoàng tử Mạc Đăng Doanh lên ngôi đã phong cho bà là "Đông Cung Hoàng Hậu".
![den-bia-ba-la-khe-27-17393899071821452230422.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-27-17393899071821452230422.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-26-17393899071692132220341.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-26-17393899071692132220341.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-31-1739389907257168618112.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-31-1739389907257168618112.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-1-1739389907274822868711.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-1-1739389907274822868711.jpg)
Ngày 14 tháng Giêng diễn ra lễ tạ công đức thành hoàng và tổ nghề.
Bà hết lòng phò vua giúp nước "Đời Mạc dân no đủ, của rơi không ai nhặt" (Lê Quý Đôn). Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn cũng viết rằng, từ khi vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) lên ngôi: "Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn". Nhà sử học Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết rằng: "Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình".
Những năm 1538 xảy ra biến cố chính trị Mạc - Lê phân tranh, bà quyết định rời nơi điện ngọc Kinh đô về nơi thôn dã tại quê hương làng dệt. Dù qua đời ở tuổi 27, bà đã để lại nhiều công đức cho dân làng, trao tặng toàn bộ ruộng đất và tài sản của mình. Tưởng nhớ công lao của người vợ xinh đẹp, tài đức vẹn toàn, vua Mạc Đăng Doanh đã khóc bà trong lời điếu được ghi trong tấm bia đá dựng năm 1539 (hiện được đặt trước cửa cung Đức thánh Bà: "Ôi! Người hiền đức, thục hạnh đoan trang sao sớm xa nơi triều nội".
Đồng thời, để ghi nhớ công đức của người con quê hương, nhân dân La Khê tổ chức cúng giỗ bà vào hai ngày 15 và 16 tháng 11 Âm lịch hàng năm. Xa gần khắp nơi, nhân dân thập phương đến chiêm bái công đức của bà. Bia mộ của bà trước ở cánh đồng "Hoàng Hậu" tên Nôm gọi là Cánh đồng vang, nay đã đưa về Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đình - Chùa - Bia Bà La Khê. Điện thờ gồm: Chính điện thờ Đức thánh Bà, Hữu điện thờ Đệ nhất vương cô, Tả điện thờ Đệ nhị vương cô.
![den-bia-ba-la-khe-24-17393899071081140513419.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-24-17393899071081140513419.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-25-17393899071661612781368.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-25-17393899071661612781368.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-30-1739389907232759128640.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-30-1739389907232759128640.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-23-17393899070871795401618.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-23-17393899070871795401618.jpg)
Có lẽ nhờ tất cả những tích xưa chuyện cũ mang ý nghĩa tốt lành về một người phụ nữ tài đức mang lại sự hạnh phúc, no đủ cho nhân dân mà nơi thờ tự của bà được nhiều người dân đến gửi mong ước nguyện về một tương lai ấm no, hạnh phúc, xin bà "lộc rơi, lộc vãi", đặng qua những tháng ngày của nhân gian.
Và cũng chính sự kết hợp hài hòa giữa giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh, cụm Di tích đình La Khê - chùa Diên Khánh - chùa Phúc Khê và đền thờ Đức thánh Bà đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp truyền thống và tìm hiểu về lịch sử dân tộc.
Đi Bia Bà cầu tài cầu lộc
Đền Bia Bà ngày nay nằm trong Cụm di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê, nằm tại trung tâm làng La Kê xưa, nay thuộc phường La Khê, quận Hà Đông. Theo dữ liệu tại Cổng thông tin điện tử phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, cụm di tích là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng độc đáo, bao gồm đình La Khê, chùa Diên Khánh và đền Bia Bà La Khê - người dân còn gọi là đền La Khê. Mỗi công trình mang trong mình những câu chuyện lịch sử và văn hóa sâu sắc, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương đến chiêm bái.
![den-bia-ba-la-khe-28-17393898515231739471965.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-28-17393898515231739471965.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-5-1739389851537601398547.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-5-1739389851537601398547.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-6-17393898515831859800202.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-6-17393898515831859800202.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-7-1739389851598363705267.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-7-1739389851598363705267.jpg)
Chùa Diên Khánh, còn gọi là chùa La Khê, được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ 11), khi Phật giáo đang ở thời kỳ cực thịnh. Với ý nghĩa "phúc lộc lâu dài", ngôi chùa không chỉ là nơi linh thiêng để cầu an, mà còn nổi tiếng với kiến trúc cổ kính và cảnh quan hữu tình. Tương truyền, nơi đây từng là thắng địa với cảnh sắc hùng vĩ: Rồng chầu, hổ phục, cây cối xanh tươi, nước trong vắt soi bóng. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị.
Đình La Khê, khởi dựng từ thế kỷ 17, là nơi thờ phụng hai vị thành hoàng làng: Hắc Diện Đại Vương và Thiên Tiên Bảo Hoa Công Chúa. Theo truyền thuyết, hai vị thần này đã hiển linh giúp dân làng đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại bình yên và thịnh vượng. Những câu chuyện linh ứng về hai vị thần đã lan truyền khắp nơi, thu hút cả vua chúa và thần dân đến chiêm bái. Triều đình phong kiến qua các thời kỳ đã ban tặng 28 đạo sắc phong, công nhận hai vị thần là "Thượng đẳng phúc thần". Ngoài ra, đình còn thờ 10 vị thánh sư người Trung Quốc, những người đã mang nghề dệt The truyền thống đến La Khê, giúp làng nghề này trở nên nổi tiếng khắp cả nước và vươn ra thị trường quốc tế. Đình La Khê được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1989.
![den-bia-ba-la-khe-17-1739389446664661234200.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-17-1739389446664661234200.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-18-17393894466801888626161.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-18-17393894466801888626161.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-19-17393894466851364759322.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-19-17393894466851364759322.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-20-1739389446744743777050.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-20-1739389446744743777050.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-22-17393894467551529912486.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-22-17393894467551529912486.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-29-17393894467571538980584.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-29-17393894467571538980584.jpg)
Người dân đổ về chiêm bái, cầu tài cầu lộc, cầu bình an dịp Rằm tháng Giêng.
Chùa Phúc Khê được xây dựng từ xa xưa có tên gọi là chùa Ngòi, ở phía sau làng La Khê. Chùa mang tên "Phúc Khê tự", nghĩa là "nguồn hạnh phúc nơi cửa Phật". Tương truyền, ngôi chùa được "Linh Cảm Hội" của bà nhiếp chính Ỷ Lan - thời Lý, trùng tu, xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 11 những năm 1060 - 1067. Chùa được trùng tu lần hai vào cuối thế kỷ 17.
Phía sau gác chuông nguy nga, chùa chính được xây dựng trên nền đất cao nhìn ra Khe Ngòi (sau này là sông Đào), nghệ thuật kiến trúc hài hòa với cảnh trí thiên nhiên tạo nên phong cảnh đẹp đẽ. Nhiều nhà địa lý thời xa xưa ca ngợi đây là mảnh đất "tu khí dưỡng thanh long", tức là "rồng xanh được nuôi dưỡng bởi khí thiêng". Chùa còn có tấm bia mang niên đại Chính Hòa và Vĩnh Thọ. Trong chùa có nhiều tượng quý từ thế kỷ thứ 17: Bộ tượng A Di Đà ba tư thế nguyên khối đá, bộ tượng Bồ Tát đứng rất hiếm trong số tượng Phật ở Việt Nam. Trong khuôn viên chùa còn có đền thờ Dũng Quận Công Trần Chân - vị triều thần thời nhà Lê. Chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1989 - tất cả những điều này đều được ghi tại văn bia của Khu Di tích.
![den-bia-ba-la-khe-16-1739389500695538896626.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-16-1739389500695538896626.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-11-1739389500777212015645.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-11-1739389500777212015645.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-3-17393895007621346990014.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-3-17393895007621346990014.jpg)
![den-bia-ba-la-khe-2-17393895007601710397556.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-2-17393895007601710397556.jpg)
Đền Bia Bà thu hút đông đảo người dân đến lễ trong những ngày đầu năm.
Cụm di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê không chỉ là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng mà còn là minh chứng sống động cho lịch sử và tinh thần cộng đồng của người dân La Khê. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính mà còn được đắm mình trong những câu chuyện lịch sử đầy linh thiêng và huyền bí.
Đình La Khê cùng với chùa Diên Khánh, chùa Phúc Khê đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 100VH/QĐ ngày 21/1/1989. Trải qua nhiều lần trùng tu, đáng chú ý nhất là vào các năm 2008 và 2009, cụm di tích này đã được nâng cấp đáng kể.
![den-bia-ba-la-khe-15-17393896525051035373476.jpg](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/den-bia-ba-la-khe-15-17393896525051035373476.jpg)
Ngay phía ngoài khuôn viên Bia Bà, có đến 60 ki-ốt bán hàng được quy hoạch khoa học, gọn gàng, tạo thuận tiện cho du khách mà vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ kính của di tích.
Hàng năm, đình La Khê là nơi diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng, tưởng nhớ công đức của hai vị thành hoàng làng và mười vị tổ nghề dệt. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân địa phương dâng hương, cầu may mà còn thu hút hàng ngàn du khách thập phương. Vào những năm "hòa cốc phong đăng" (mưa thuận gió hòa, được mùa), lễ hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động sôi nổi như rước kiệu, biểu diễn văn nghệ, hát quan họ trên thuyền, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, và triển lãm sinh vật cảnh. Sự kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống và quản lý bài bản đã giúp cụm di tích ngày càng thu hút đông đảo du khách, mang lại nguồn thu đáng kể từ các dịch vụ phụ trợ như trông giữ xe, kinh doanh hàng hóa và ẩm thực.