Thoát chết trong máy bay không vận trẻ em, trở thành luật sư tại Pháp

Tháng 4 năm 1975, 3.300 trẻ em từ sơ sinh cho đến vài tuổi được cho là trẻ mồ côi Việt Nam hoặc con lai Mỹ đã rời quê hương trên những chuyến bay thuộc chiến dịch Babylift (không vận trẻ em).

Ở chuyến bay đầu tiên ngày 4/4/1975, một tai nạn máy bay thảm khốc nhất nhì lịch sử không lực Mỹ đã xảy ra. Chiếc C-5A Galaxy chở hàng trăm trẻ mồ côi Việt Nam đâm xuống đất làm 153 người tử vong. 150 người còn lại sống sót. Odile (1974) là một trong số đó.

Odile đã đi một hành trình dài, xuyên qua cái chết để sang Pháp, lớn lên trong vòng tay của ba mẹ nuôi, và sau này là luật sư, giảng viên. Sau khi may mắn thoát chết khỏi vụ máy bay rơi, Odile tiếp tục được không vận sang Mỹ. Chị ở với một gia đình người Mỹ tại San Francisco 15 ngày, rồi lại được gửi sang Pháp làm con nuôi.

Giấy khai sinh và chiếc vòng khi rõ tên Bùi Thị Thanh Khiết, sinh ngày 11/5/1974 được các xơ tại cô nhi viện đeo vào tay. Đó là kỷ vật duy nhất kết nối chị với nguồn cội.

capture-4a-17228480095901323294574-1723122616045-17231226196971400548755.jpg

Odile - Bùi Thị Thanh Khiết có cuộc sống ấm êm tại Pháp, nhưng luôn đau đáu việc tìm lại mẹ ruột người Việt

Odile hoàn toàn không có ký ức về mẹ ruột. Chị chỉ biết mẹ sinh mình tại nhà bảo sinh xã Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trong giấy khai sinh ghi tên mẹ là Bùi Thị Nghe, không thể hiện năm sinh của mẹ, không thấy ghi tên cha.

Người khai thông tin để tên Tạ Thị Bích Vân, không rõ là người bà con trong gia đình hay nhân viên nhà hộ sinh. Odile cũng không biết quê gốc của mẹ ruột mình liệu có phải ở Bình Dương không, hay bà chỉ sống ở đó một thời gian.

Với những thông tin ít ỏi đó, tháng 12/2010, Odile đã về Việt Nam, tìm gặp các xơ ở cô nhi viện Việt Hoa trong khu vực Chợ Lớn, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh - nơi chị sống khoảng 9 tháng. 

Xơ phụ trách kể lại theo trí nhớ, rằng mẹ của Odile rất trẻ, khoảng 15 - 20 tuổi thôi, rất có thể là chưa đến tuổi trưởng thành khi sinh chị. Thời điểm được gửi lại cô nhi viện, ngày 23/8/1974, Odile mới 3 tháng tuổi.

Muốn tìm về nguồn cội để “là người Việt Nam toàn vẹn”

Odile cho hay, ba mẹ nuôi chỉ có chị là con duy nhất. “Sau khi ba qua đời năm tôi 12 tuổi, mẹ vẫn chăm sóc, giáo dục tôi cẩn thận trong tình yêu và chu toàn để tôi có cuộc sống ngày hôm nay.

Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, phải trải qua cái chết để có thể được sống, nên tôi cảm thấy biết ơn vì có thể đi đến hiện tại. Nhưng trái tim tôi luôn như bị cắt làm hai nửa, và có một sự thôi thúc kỳ lạ khiến lòng tôi luôn hướng về Việt Nam.

Tôi muốn tìm thấy mẹ ruột của mình. Tôi tin là người mẹ nuôi 93 tuổi ở Pháp của tôi cũng sẽ hạnh phúc nếu tôi có thể hội ngộ với người sinh thành”, xúc động, Odile nói.

Gần 15 năm qua, Odile trở đi trở lại Việt Nam với nỗ lực gần như tuyệt vọng để tìm về gốc gác của mình. Chị tha thiết nhắn nhủ: “Con vẫn đang tìm mẹ, nhưng mẹ là người quyết định chúng ta có thể đoàn tụ hay không. Nếu như mẹ không muốn, con hoàn toàn hiểu và chấp nhận.

Con không nghĩ những gì ngày xưa mẹ đã làm là tội lỗi. Con cảm ơn rất nhiều vì mẹ đã sinh ra con và cho người mẹ nuôi tuyệt vời của con cơ hội để trở thành mẹ con. Con đã có một cuộc sống tuyệt vời ở Pháp.

May mắn mà mẹ con ta tìm được nhau, nếu muốn mẹ kể câu chuyện của mình công khai với cộng đồng, mẹ hãy kể nhé; nếu không thì liên lạc với riêng con cũng được. Con ao ước được gặp mẹ”.

capture-172284799350853611452-1723122620529-1723122620758440883980.jpg

Odile (ngoài cùng bên phải) hy vọng sức mạnh cộng đồng mạng có thể giúp chị tìm lại mẹ

Dù trải qua gần cả cuộc đời ở Pháp, nói tiếng Pháp, Odile vẫn luôn cảm thấy có một mối gắn bó không thể chối từ với Việt Nam. Để thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thông tin, Odile đã chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống. Cô tiết lộ mình đang làm thủ tục xin quốc tịch để có thể được công nhận là một người Việt Nam thực sự.

Nhiều bạn bè, người quen của Odile là những đứa trẻ babylift ngày ấy và đều khao khát muốn tìm về nguồn cội. Có những người không giữ được giấy khai sinh gốc, thông tin về nhân thân cũng ít ỏi hơn nhiều so với Odile.

Điều kỳ lạ là, giống như Odile, những đứa trẻ, dù sống trong những gia đình mới, những căn nhà mới ở nhiều quốc gia khác nhau, đã cố gắng tìm cách liên lạc với bố mẹ đẻ và gia đình gốc mà họ đã bị tách khỏi từ thuở ấu thơ, dù thời gian chung sống vô cùng ít ỏi.

Những đứa trẻ babylift đều đã qua tuổi ngũ tuần, và họ chia sẻ với nhau nỗi đau, sự chênh vênh của những thân phận “trôi dạt”, tìm cách lùng sục thông tin về cha mẹ mình. Thời gian càng trôi, ký ức càng mờ nhạt, những người năm xưa có thể không còn, khả năng tìm được gia đình và hội ngộ càng thu hẹp lại. Nhưng điều đó không khiến họ nản lòng.

Nguồn: Tuấn Vỹ - Kết nối yêu thương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022