Hình thành từ đầu thế kỷ 20 để phục vụ nhu cầu mua bán trong vùng, ngày nay, chợ nổi Cái Răng là điểm đến được nhiều du khách quan tâm. Chợ nổi nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km.
Chợ Cái Răng thường họp từ tờ mờ sáng, nhộn nhịp nhất là vào khoảng 6 - 8h. Du khách lênh đênh trên thuyền để ngắm bình minh, chiêm ngưỡng khu chợ và thưởng thức bữa sáng đặc trưng với bún riêu "lắc", hủ tiếu "lắc".
"Hủ tiếu, bún riêu lắc chợ nổi Cái Răng ngon ơi là ngon đây"; "Đi Cái Răng là phải thưởng thức tô bún lắc nha"; "Thử tô hủ tiếu lắc cho ấm bụng cô chú ơi",... là những lời rao quen thuộc của tiểu thương ở chợ nổi Cái Răng.
Theo bà Phạm Thị Ngọc, một người mưu sinh 25 năm trên chợ nổi, sở dĩ người ta gọi bún "lắc", hủ tiếu "lắc" là bởi người bán - người mua đều ngồi trên chiếc ghe thuyền tròng trành giữa sông nước, lắc qua lắc lại.
"Khách lần đầu thử tô bún lắc là vừa bưng vừa run tay. Nhất là khi tàu lớn đi qua, sóng đánh mạn ghe là lắc lư mạnh lắm, khách chao đảo, chóng mặt luôn. Ấy thế mà người ta thấy thú vị lắm", bà Ngọc hài hước nói.
Bà Ngọc đã có 25 năm bán bún riêu "lắc", hủ tiếu "lắc" ở chợ nổi. Ảnh: Linh Trang
Sợi hủ tiếu rất trong, mịn và dai, được làm từ loại gạo miền Tây ngon, thơm. Nước lèo có vị ngọt từ xương heo ninh nhừ, có nơi thêm đôi ba con khô mực, tôm khô chấy mỡ hành cùng củ cải trắng, hành phi và hành lá xắt nhuyễn.
Phần nước lèo trong vắt, thơm thoang thoảng. Ăn kèm tô hủ tiếu là những miếng thịt heo luộc, bò viên thái mỏng, vài cọng giá và rau hẹ, húng quế xanh mướt.
Hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) từng được đầu bếp nổi tiếng đến từ Hàn Quốc - Jun Ho Kyun khen ngợi trên đài truyền hình EBS. Hình ảnh đầu bếp Jun Ho Kyun húp trọn tô hủ tiếu, tấm tắc khen ngon, ăn xong còn đòi theo cô chủ về nhà học bí quyết khiến cho không ít khán giả Việt cảm thấy thích thú.
Món ăn này cũng từng gây ấn tượng cho đầu bếp lừng danh thế giới Gordon Ramsay vào năm 2012.
Nước lèo là "linh hồn" của các món bún riêu, hủ tiếu. Ảnh: Linh Trang
Bún riêu ở chợ Cái Răng từng được trang du lịch Skyscanner giới thiệu là món ăn phải thử một lần trong đời.
Tô bún có màu sắc bắt mắt: Màu đỏ của cà chua - dầu điều, xanh xanh của hành lá, ngò, rau thơm kết hợp cùng thịt, tôm, huyết, tim, gan, chả viên,... Sau khi chan nước lèo cua nóng hổi, người bán sẽ thêm một chút mắm tôm dậy mùi, xíu ớt cay tê tê.
Do buôn bán trên ghe thuyền tròng trành nên người bán phải rất khéo léo, chỉ cần sơ sẩy chút là đồ ăn sẽ nghiêng, đổ.
Du khách cũng thường truyền tai nhau "vừa ăn vừa thủ thế, giữ thăng bằng như làm xiếc". Ai không quen thì ăn xong bát bún "lắc" là dễ chóng mặt.
Hương vị bún riêu, hủ tiếu ở ghe thuyền chợ nổi không quá khác lạ. Tuy nhiên, du khách lại hào hứng với cảm giác tròng trành, lênh đênh. Ảnh: Linh Trang
Một phần ăn sáng đầy đủ thường có giá 40.000 - 50.000 đồng. Các ghe, thuyền lênh đênh trong chợ còn bán nước giải khát, nước trái cây, cà phê với mức giá 10.000 - 15.000 đồng/trái dừa, 15.000 đồng/ly cà phê đá "lắc",...
Du khách có thể thưởng thức bún, hủ tiếu ở các nhà bè ven chợ. Ảnh: Linh Trang
Du khách có thể di chuyển đến chợ nổi Cái Răng bằng thuyền từ bến Ninh Kiều trong khoảng 30 phút hoặc lái xe tới bến thuyền sát chợ trong khoảng 20 phút.
Theo VietNamnet