Những ngày mùa đông vẫn chan chứa ánh nắng vàng và những cơn gió nhẹ se lạnh này, dòng người đổ về thăm thú Trường Đại học Tổng hợp cũ ngày càng nhiều. Mái vòm trường Đại học Tổng hợp luôn là điều gì đó thật đặc biệt và thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng. Và vẻ đẹp ấy càng viral hơn nữa trong những ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội.
Không chỉ là một trong những địa điểm trưng bày các cụm triển lãm, nghệ thuật tương tác "Cảm thức Đông Dương",... nơi đây còn chứa đựng điều thú vị mà bất kể đứa trẻ nào cũng háo hức khám phá: Bảng tàng Sinh học.
Thời tiết trong thời gian diễn ra Lễ hội từ ngày 9/11 -17/11/2024 rất chiều lòng người, có nắng vàng, gió nhẹ rất thích hợp để mọi người dắt díu nhau đi khám phá những địa điểm văn hóa ý nghĩa. Bảo tàng Sinh học tại 19 Lê Thánh Tông tuy không phải không gian lớn nhưng ở đó cất giấu "kho tàng" sinh vật gần 100 năm tuổi. Đây có lẽ là không gian thú vị giúp các bé cùng phụ huynh có thể trực quan cảm nhận và tăng thêm hiểu biết của mình về các loài vật mà đôi khi chỉ được nhìn qua màn ảnh nhỏ.
Bảo tàng Sinh học tại 19 Lê Thánh Tông là Bảo tàng Sinh học đầu tiên ở Đông Dương và Việt Nam, được thành lập từ năm 1926. Hiện nay Bảo tàng Sinh học lưu trữ, bảo tồn hàng trăm nghìn vật mẫu động vật, thực vật của Việt Nam sưu tầm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, trong đó có cả vật mẫu của các vùng địa lý khác nhau trên thế giới do nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học và các bảo tàng nước ngoài tặng.
Chỉ trong một không gian có lẽ là khá khiêm tốn nhưng những bộ sưu tập mẫu vật tại Bảo tàng Sinh học xứng đáng là tài sản vô giá của Quốc gia. Đây cũng là hình ảnh thu nhỏ về tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học của đất nước. Hiện nay, Bảo tàng Sinh học là một trong các bảo tàng cơ sở trong hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Các mẫu thực vật đang lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Sinh học được thu thập từ các vùng khác nhau trên cả nước gồm có 28.372 tiêu bản, trong đó 22.991 tiêu bản của 4.287 loài, 1300 chi và 235 họ đã được xác định tên khoa học và còn 5.381 tiêu bản chưa được định loại. Hầu hết các mẫu vật hiện lưu trữ tại bảo tàng đều có chất lượng tốt.
Bộ sưu tập mẫu động vật không xương sống có 21.133 mẫu, phần lớn thuộc các bộ côn trùng phổ biến ở Việt Nam như Cánh cứng, Cánh vảy, Gián… và các mẫu vật động vật không xương sống nước ngọt và nước mặn như Động vật thân mềm, Giáp xác, Da gai, Ruột khoang (San hô)… Mẫu sử dụng nghiên cứu là 19.895 mẫu; để trưng bày là 865 mẫu (chiếm 7,9% tổng số mẫu vật). Bộ sưu tập mẫu Động vật không xương sống không có các mẫu chuẩn và đồng chuẩn hoặc các mẫu quý hiếm về côn trùng. Do phần lớn vật mẫu chưa được định tên đầy đủ, hơn 50% số lượng vật mẫu có chất lượng kém vì không được bảo quản tốt và rất nhiều vật mẫu thiếu lý lịch rõ ràng nên đã làm giảm đi giá trị của bộ sưu tập côn trùng rất lớn này.
Về bộ sưu tập mẫu cá, tổng cộng có 6.207 mẫu cá nước ngọt, nước mặn và nước lợ, trong đó có 1207 mẫu đã được định loại của 396 loài (chiếm 15,33% tổng số loài cá đã được thống kê ở Việt Nam), bao gồm 941 mẫu nghiên cứu và trưng bày của 350 loài. Trong đó, 266 mẫu mẫu holotype và paratype của 46 loài cá mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam được công bố bởi GS.TS. Mai Đình Yên và một mẫu paratype của loài cá Bống trắng do thái tử Akihito (sau đó trở thành Nhật hoàng và nay đã nhường ngôi) đã gửi tặng Bảo tàng vào năm 1976. Như vậy, ở Bảo tàng còn khoảng 5000 vật mẫu cá chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.
Bộ sưu tập mẫu Lưỡng cư đã kiểm kê là 3299 vật mẫu của 78 loài thuộc 35 giống, 10 họ, 3 bộ chiếm 35,5% (78/220) tổng số loài lưỡng cư đã được phát hiện ở Việt Nam. Bảo tàng Sinh học có mẫu paratype của một số loài lưỡng cư như: Ếch cây Quyết Gracixalus quyeti, Ếch cây Orlov Rhacophorus orlovi…
Bộ sưu tập mẫu Bò sát có 714 mẫu vật bò sát của 162 loài thuộc 23 họ, 3 bộ chiếm 37,2% (162/435) số loài bò sát đã được phát hiện ở Việt Nam.
Bộ sưu tập mẫu Chim có 2.674 mẫu của 381 loài chiếm 45 % (381/848) tổng số loài chim hiện có ở Việt Nam thuộc 18 Bộ, 68 họ. Tuy nhiên, bộ sưu tập chim của Bảo tàng còn thiếu mẫu vật của các loài chim thuộc bộ Hải Âu (Procellariiformes). Tất cả mẫu chim của Bảo tàng đều là mẫu nhồi, có cả mẫu nằm và mẫu đứng.
Bộ sưu tập mẫu Thú có 2.507 mẫu vật thú, của 136 loài và phân loài thuộc 70 chi, 26 họ, 10 bộ. So với tổng số loài thú hiện có ở Việt Nam, bộ sưu tập mẫu vật thú ở Bảo tàng Sinh học của ĐHQG Hà Nội chiếm 45,3 % về số loài (136/300).
Hiện nay Bộ sưu tập của Bảo tàng còn thiếu đại diện của một số bộ thú như Cánh da; Cá voi, Guốc lẻ, Bò biển nhưng điều này không ảnh hưởng đến những trải nghiệm thú vị của các bé trong mỗi lần tham quan.
Từ lâu, Bảo tàng Sinh học đã trở thành nơi thăm quan, học tập của học sinh các cấp, của sinh viên và mọi người dân. Thông qua các hoạt động này, Bảo tàng Sinh học đã phổ biến, tuyên truyền các kiến thức sinh học cơ bản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quý sinh vật - tài nguyên quý giá của Quốc gia, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.