Nghỉ hưu theo nhóm tưởng chừng là một ý tưởng vô cùng hấp dẫn khi về già nhiều người được vui vầy bên bạn đồng niên, thấu hiểu và chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Nhưng cuộc đời luôn lắm những biến số bất ngờ, nếu không xác định rõ mục tiêu rất có thể sẽ mang đến nhiều nỗi buồn hơn thay vì niềm vui.

Một câu chuyện chia sẻ trên MXH Zhihu được rất nhiều người quan tâm.

Chuyện là ba năm trước, trong một căn biệt thự nhỏ nằm nép mình ở ngoại ô tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), bốn cặp vợ chồng đã cùng nghỉ hưu nâng ly chúc mừng. Đó là ngày họ chính thức khởi động "thí nghiệm sống chung tuổi già" – một ý tưởng táo bạo, đầy hy vọng về những ngày tháng hưu trí rộn ràng bên bạn bè.

Sân nhà rực rỡ ánh đèn màu, bàn ăn ngập tràn những món ngon do chính tay họ chuẩn bị. Tiếng hát, tiếng cười vang lên trong không gian ấm áp, xen lẫn những câu chuyện về ước mơ cùng nhau trồng hoa, đi du lịch, tận hưởng tuổi già một cách trọn vẹn. "Dù già, chúng ta vẫn phải sống trẻ trung!" – họ hân hoan đặt lời hẹn ước với nhau.

Nhưng chỉ ba năm sau, giấc mơ tưởng chừng hoàn hảo ấy vỡ tan. Hai cặp vợ chồng rời đi trong tức giận, một bà cô 64 tuổi bật khóc nức nở: "Nếu không đi ngay, gia đình tôi chắc chắn sẽ tan nát!". Từ một "làng dưỡng lão lý tưởng", câu chuyện kết thúc trong nước mắt và những mảnh vỡ không thể hàn gắn. Điều gì đã khiến kế hoạch đẹp đẽ này trở thành "một mớ hỗn độn"? Hãy cùng nhìn sâu vào sự thật đằng sau.

1742889240-01e95d8c-4589-4f3e-9c56-b46f96481cd4faceimage-17428892707841973225940-1742889513902-17428895141931461603998-1742987273027-17429872732451207607438.jpeg

Ảnh minh họa

1. Khởi đầu từ giấc mơ chung

Ý tưởng sống chung tuổi già không phải ngẫu nhiên mà có. Nó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi sâu thẳm của nhiều người lớn tuổi: Sự cô đơn và cảm giác lạc lõng khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Con cái đã lớn, rời nhà đi xa, tổ ấm từng rộn rã giờ đây lạnh lẽo. Vòng tròn xã hội thu hẹp dần, họ khao khát tìm lại hơi ấm từ những người bạn đồng hành.

Bốn cặp vợ chồng này đã vẽ nên một bức tranh gần như hoàn hảo. Họ cùng nhau thuê một căn nhà liền kề ở ngoại ô, chia sẻ chi phí để giảm bớt gánh nặng tài chính. Mỗi người đảm nhận một vai trò: Người nấu ăn, người chăm sóc vườn rau, người tổ chức các buổi giải trí. Ban ngày, họ cùng nhau đi dạo, tập thái cực quyền; tối đến, họ quây quần bên lò sưởi, trò chuyện rôm rả. Căn nhà nhỏ ấy tựa như một "làng dưỡng lão trong mơ", nơi tuổi già không còn là nỗi buồn mà là niềm vui.

"Khi trẻ, ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng. Giờ nghỉ hưu, tôi chỉ muốn có bạn bè bên cạnh, sống vui vẻ mỗi ngày" - chú Trương – người khởi xướng ý tưởng, từng nói đầy phấn khởi.

Những ngày đầu tiên thực sự đẹp như kỳ vọng. Bữa sáng là những bát cháo nóng hổi mang hương vị Bắc Nam, buổi chiều vang lên tiếng hát kịch Bắc Kinh trong sân. Khi chú Trương lên cơn cao huyết áp, bác sĩ Lý ở nhà bên vội vàng chạy sang cấp cứu. Cô Lưu bị trẹo chân, ba người khác thay nhau mang cơm, trò chuyện cùng cô. Tiền thuê nhà 8000 tệ mỗi tháng (khoảng 28 triệu đồng) chia đều cho tám người, mỗi người chỉ tốn 1000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) – rẻ hơn nhiều so với viện dưỡng lão. "Chúng tôi không phải ruột thịt, nhưng tình cảm còn hơn cả gia đình", họ tự hào gọi đây là "mô hình dưỡng lão kiểu mới của Trung Quốc" trong suốt sáu tháng đầu tiên.

v2-97e0851734a0a96fa1a268c73c77b0251440w-1742888605107943285355-1742889514770-1742889514835254997198-1742987273812-17429872739062062836069.jpg

Ảnh minh họa

2. Khi nhân tính không chịu nổi thử thách

Nhưng thực tế luôn khắc nghiệt hơn giấc mơ. Khi "bạn bè" trở thành "người ở chung nhà", khi "giúp đỡ lẫn nhau" biến thành "trách nhiệm bắt buộc", những góc khuất của con người dần lộ ra. Chỉ sau ba tháng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.

"Cứ nói là luân phiên nấu ăn, sao tôi làm năm lần mà cô ấy chỉ làm có ba lần?" – một người bức xúc lên tiếng. Bảng phân công việc dần trở nên mất cân bằng khi người thì viện cớ ốm, người lười biếng trốn tránh. Cô Vương xin nghỉ ba ngày vì đau lưng, nhưng bị nghi ngờ "giả bệnh để trốn việc". Chú Triệu trồng rau, thấy hàng xóm hái trộm vài cây, liền tức giận đăng bài chỉ trích lên nhóm chat. Rửa bát, lau nhà, đổ rác – cuối cùng, những người chăm chỉ âm thầm gánh vác, còn việc nhà tầm thường trở thành chiến trường "ai hiền thì thiệt".

Chuyện tiền bạc càng là ngòi nổ. Mua sắm chung vốn để tiết kiệm, nhưng lại gây tranh cãi. Một lần vì 10 nghìn đồng tiền tỏi – nên tính vào chi phí chung hay riêng – mà hai cặp vợ chồng cãi nhau đến mức lật bàn. "Chú Trương ngày nào cũng đòi ăn thịt kho tàu, sao bắt chúng tôi chia tiền thịt?" hay "Con gái cô Lý cuối tuần sang ăn ké, tiền điện tính sao đây?". Những người bạn từng ngại ngùng nói về tiền giờ đây cầm máy tính tỉ mỉ soát từng đồng.

Thói quen sinh hoạt càng làm mọi thứ rối ren. Người dậy từ 5 giờ sáng tập thái cực quyền, người thức khuya xem phim đến nửa đêm. Người thích ăn nhạt, người không thể thiếu ớt. Cô Lý mở cửa sổ cho thoáng, chú Triệu lại phàn nàn "gió lạnh làm đau khớp". Sống chung ngày qua ngày, ngay cả chuyện nắp bồn cầu nên để lên hay xuống cũng đủ gây ra chiến tranh lạnh.

Đỉnh điểm là mâu thuẫn từ bên trong. Cô Trương Tố Phân, 64 tuổi, bận rộn đến mức không có thời gian nghỉ ngơi, trong khi chồng cô – chú Trần – đau lòng thốt lên: "Cô nấu ba món mặn một canh cho người ngoài, về nhà lại bắt tôi ăn cơm thừa! Nhà mình chẳng còn ra nhà nữa, cứ như nhà trọ miễn phí!". Con cái cũng gọi điện trách móc: "Mẹ ơi, mẹ làm osin cho họ để được gì?".

Cuối cùng, hai gia đình cãi vã đến mức không nhìn mặt nhau. Hai cặp còn lại vì đã bán nhà, đành cố gắng ở lại trong sự miễn cưỡng.

1742889240-2a93c449-3cdc-4e0d-8706-0c18d6bacd98faceimage-17428892707981772981257-1742889515280-17428895154221294568714-1742987274401-17429872745001635193125.jpeg

Ảnh minh họa

3. Bài học đẫm nước mắt từ người trong cuộc

Cô Trương Tố Phân – một trong những người khởi xướng – cũng là người đầu tiên "bỏ cuộc". Nhớ lại quãng thời gian ấy, cô nghẹn ngào: "Tôi xem bạn bè như người thân, cuối cùng lại chẳng được ai coi trọng".

Ban đầu, với tài nấu nướng, cô xung phong làm hầu hết bữa ăn và nhận được vô số lời khen. Nhưng khi cô muốn nghỉ ngơi một ngày, ai đó lại phàn nàn: "Cả đám đói bụng đợi cô cả tiếng rồi!". Lần cô bị cảm nặng nằm bệt trên giường, chị Ngô vẫn gõ cửa giục: "Tố Phân, mọi người đang chờ món mì thịt của cô đấy!". Đỉnh điểm là bữa tiệc sinh nhật: Cô tự bỏ tiền tổ chức cho từng người, nhưng đến lượt mình, cả nhóm chỉ góp tiền mua một túi bánh quy rẻ tiền.

Điều khiến cô tổn thương nhất là khi chồng nhập viện, những người từng được cô chăm sóc đều viện cớ "bận việc" để từ chối giúp đỡ. Chồng cô cuối cùng đưa ra tối hậu thư: "Ba năm nay cô làm trâu làm ngựa cho người khác, còn tôi thì sao? Tiền tiết kiệm bỏ vào quỹ chung, con trai cưới xin cô cũng mặc kệ!". Tết năm 2023, hai vợ chồng kéo vali rời đi, để lại sau lưng những lời mỉa mai: "Sớm biết cô nhỏ nhen, quả nhiên không chịu nổi khổ!".

Câu chuyện của cô Tố Phân không phải hiếm. Theo khảo sát của Hiệp hội Người cao tuổi Bắc Kinh, hơn 60% nhóm sống chung tuổi già tan rã trong vòng ba năm vì mâu thuẫn. "Làng dưỡng lão lý tưởng" không thể chỉ dựa vào nhiệt huyết, mà cần sự rõ ràng trong tài chính, không gian riêng tư và biết dừng lại đúng lúc. "Bạn bè thì giúp nhau được, nhưng sống chung thì không", cô Tố Phân đúc kết.

Giờ đây, cô và chồng trở về cuộc sống gia đình nhỏ. Họ cùng nhau đi chợ, dạo bộ, thỉnh thoảng gặp bạn cũ uống trà. "Xa nhau một chút, tình cảm lại bền lâu hơn", cô cười nhẹ.

Sống chung tuổi già không phải ý tưởng tồi, nhưng nếu dùng nó để thay thế tình thân gia đình hay che đậy nỗi cô đơn, kết quả thường là thất bại. Hạnh phúc tuổi già không nằm ở việc có bao nhiêu người bên cạnh, mà ở cách chúng ta hòa hợp với chính mình và những người thân yêu nhất.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022