Hội thảo “Việt Nam - Thị trường năng động châu Á và điểm đến mới cho các đoàn làm phim quốc tế” là sự kiện trong khuôn khổ Chương trình giới thiệu du lịch, làng nghề, ẩm thực Việt Nam diễn ra tại Pháp do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các đối tác tổ chức.
Việt Nam, điểm đến của du lịch và điện ảnh
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh tại diễn văn khai mạc: Việt Nam không chỉ là một điểm đến với những bối cảnh quay phim độc đáo, mới lạ, mà còn là một thị trường điện ảnh đang phát triển sôi động với nhiều cơ hội hợp tác sản xuất và phát hành. Hội thảo hôm nay là diễn đàn để các đại biểu cùng tìm hiểu sâu sắc cả hai khía cạnh quan trọng này đồng thời cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về ngành công nghiệp điện ảnh của Việt Nam.

“Bên cạnh bức tranh sôi động về thị trường và ngành công nghiệp điện ảnh, Việt Nam còn mang đến những giá trị độc đáo khác biệt với tư cách là một điểm đến làm phim mới lạ và đầy cảm hứng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể đáp ứng và vượt trên những kỳ vọng đó”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Những năm gần đây, Việt Nam được biết đến như một “thư viện bối cảnh” vô cùng đa dạng cho các nhà làm phim, đáp ứng nhu cầu sáng tạo với sự hùng vĩ, nguyên sơ cho những thước phim phiêu lưu, hành động, kỳ ảo. Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn giàu có về văn hóa và con người, là mảnh đất màu mỡ cho những câu chuyện độc đáo với 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng về phong tục, lễ hội, ẩm thực, trang phục, kiến trúc... Con người Việt Nam, với sự lạc quan, lòng hiếu khách và tâm hồn phong phú, luôn là trung tâm của những câu chuyện nhân văn sâu sắc.

Về nguồn nhân lực địa phương, Việt Nam có một đội ngũ làm phim trẻ, năng động, nhiệt huyết và được đào tạo bài bản ở nhiều vị trí như trợ lý đạo diễn, quay phim, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, quản lý sản xuất, phiên dịch hiện trường... “Việc hợp tác với nhân sự địa phương không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn mang lại những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, ngôn ngữ và cách thức làm việc hiệu quả tại địa phương. Ngoài ra, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, chi phí sản xuất tại Việt Nam hiện nay vẫn rất cạnh tranh, từ chi phí nhân công, dịch vụ, ăn ở, đi lại... Điều này cho phép các nhà sản xuất tối ưu hóa ngân sách, dành nguồn lực nhiều hơn cho chất lượng sáng tạo của bộ phim” ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.
Với bức tranh toàn cảnh về một thị trường năng động, một nền công nghiệp văn hóa đang chuyển mình cùng những bối cảnh làm phim độc đáo và sự hỗ trợ ngày càng chuyên nghiệp, Việt Nam đang dang rộng vòng tay chào đón các nhà làm phim quốc tế.

Điện ảnh đưa Việt Nam đến với thế giới
Mỗi dự án phim quốc tế là một cơ hội quảng bá du lịch, để giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển, học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau tạo ra những tác phẩm điện ảnh có giá trị cho khán giả toàn cầu.
Tại hội thảo, các diễn giả sẽ cùng chia sẻ, tìm hiểu về quy mô, sức bật của thị trường điện ảnh Việt Nam - một thị trường trẻ trung, đầy tiềm năng trong lòng một nền kinh tế năng động - đồng thời phân tích những cơ hội và cả những tiềm năng còn bỏ ngỏ trong lĩnh vực sản xuất phim, cả trong nước lẫn hợp tác quốc tế; Những mô hình hợp tác sản xuất thành công thực tế, đặc biệt là cách các nhà làm phim độc lập Việt Nam đã tìm đường ra thế giới, mang đến những bài học kinh nghiệm quý giá.

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Nhịp đập điện ảnh Việt Nam”, các chuyên gia hàng đầu khám phá bức tranh sống động của thị trường điện ảnh Việt Nam. Những con số ấn tượng, xu hướng phát triển, tiềm năng hợp tác sản xuất trong nước và quốc tế, các mô hình thành công của phim độc lập, những điểm mới tích cực trong Luật Điện ảnh, cũng như cơ hội và thách thức trong quảng bá phim Việt ra thế giới đã được thảo luận thẳng thắn và sâu sắc.
Phiên thảo luận thứ hai tập trung vào chủ đề “Việt Nam - Điểm đến lý tưởng qua ống kính điện ảnh”, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ hơn sức hấp dẫn của Việt Nam như một phim trường tự nhiên rộng lớn và độc đáo. Những thước phim giới thiệu bối cảnh, tác động tích cực của các bộ phim quốc tế tới du lịch địa phương, chiến lược kết nối du lịch - điện ảnh trong tương lai, và đặc biệt là các mô hình hợp tác công - tư cùng những ưu đãi cụ thể tại các địa phương đã cho thấy sự sẵn sàng và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam.

Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, điện ảnh được xác định không chỉ là nghệ thuật mà còn là một kênh truyền thông hiệu quả bậc nhất để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, từ đó thu hút dòng khách du lịch chất lượng cao và nâng tầm thương hiệu Du lịch Việt Nam.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang và sẽ tập trung triển khai Chiến lược kết nối Du lịch và Điện ảnh trong tương lai với những định hướng trọng tâm sau: Kiến tạo hành lang pháp lý và môi trường chính sách thuận lợi; Nâng cao năng lực hệ sinh thái hỗ trợ sản xuất phim và phát triển sản phẩm du lịch; Tăng cường hợp tác công - tư và hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá tích hợp Du lịch - Điện ảnh. Trong đó triển khai các chiến dịch quảng bá chuyên biệt, tập trung tới ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Hollywood, các liên hoan phim quốc tế uy tín như Cannes”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Đồng thời tăng cường sử dụng hình ảnh các điểm đến Việt Nam xuất hiện trong phim ảnh như một chất liệu quan trọng trong các chiến dịch marketing du lịch quốc gia. Trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ sớm nghiên cứu, xây dựng và cung cấp bộ thông tin, dữ liệu đầy đủ, cập nhật và dễ dàng truy cập về các bối cảnh tiềm năng, năng lực dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim, chính sách ưu đãi, quy trình thủ tục tại Việt Nam để các nhà làm phim quốc tế có đủ thông tin khi đưa ra quyết định.