Thông tin này được đưa ra tại Toạ đàm “Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM tổ chức sáng 23/11.
Theo PGS.TS Phan Thị Bích Hà, trường Đại học Văn Lang, trong thị trường phim hiện nay, hoạt động phê bình điện ảnh có vai trò ảnh hưởng lớn không chỉ tới tác phẩm mà còn ảnh hưởng đến mặt kinh tế, đặc biệt là trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường như hiện nay.
Điện ảnh vừa phải hoàn thành sứ mạng của mình về hiệu quả giáo dục, văn hóa, chính trị, xã hội mà vẫn phải đảm đương hiệu quả kinh tế. Do đó, đây là một loại hàng hóa đặc biệt và là một sản phẩm không thể tính lời lãi dưới góc độ kinh tế học. Không thể lấy việc bán vé ra để làm thước đo cho giá trị của một bộ phim.
Thực tiễn, các tác phẩm điện ảnh có hàm lượng nghệ thuật cao thì không hẳn có được giá trị của giá cả thị trường cao. Ngược lại, những tác phẩm điện ảnh chưa được xuất sắc lắm thì không hẳn lại phải chịu cảnh giá cả thị trường thấp. Công chúng có một vai trò rất là quan trọng trong đời sống của một tác phẩm nghệ thuật. Họ là người quyết định tuổi thọ của tác phẩm này kéo dài hay ngắn.
Do đó, vấn đề then chốt vẫn nằm ở công chúng, khán giả; công đoạn quảng cáo và công tác lý luận phê bình giúp sản phẩm đến người tiêu dùng, gia tăng giá trị hàng hoá của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên nếu khoa trương thái quá sẽ dẫn đến thực trạng ảo, giá trị ảo, như một số bộ phim hiện nay.
"Nếu như trước đây phim chỉ là công tác tuyên truyền, bây giờ phải là hàng hoá đặc biệt mang về kinh tế. Do vậy rất cần có vai trò của công tác phê bình nhằm đưa lại hiệu quả tốt nhất và cho xã hội", PGS.TS Phan Thị Bích Hà nói.
Cũng theo PGS.TS Bích Hà, công tác phê bình văn học nghệ thuật vừa đòi hỏi một thái độ trung thực, khách quan, không định kiến, không nghiêng lệch quá về những nhận cảm mang tính chủ quan. Hiện nay, trong phê bình điện ảnh, các nội dung thường né tránh những vấn đề quá gai góc, to lớn, mà rút vào công việc giới thiệu phim, viết chân dung nghệ sĩ hay thiên về tổng kết các sự kiện và thường thiếu vắng những công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM cho rằng, cần phải nâng cao tầm quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay cũng như phù hợp với truyền thống văn hoá, văn học, nghệ thuật dân tộc và nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, văn hoá, văn học, nghệ thuật cần gắn chặt với đời sống, với nền kinh tế thị trường, với quá trình toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác lý luận, phê bình cũng cần được coi trọng. Đội ngũ này phải có nhận thức, trình độ có chuyên môn sâu, am hiểu từng lĩnh vực văn học nghệ thuật và hiểu được xu hướng hiện đại; tăng cường định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là thanh thiếu niên và phát huy vai trò của lĩnh vực này trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người TP.HCM.