Nghệ sĩ nói về điện ảnh, dịp tham gia các sự kiện bên lề của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (ngày 7 đến 11/11).
- Tác phẩm của ông đang dự thi vòng sơ loại, hạng mục Phim nước ngoài của Oscar, ông kỳ vọng điều gì?
- Oscar là sân chơi điện ảnh lớn nhất thế giới. Mười mấy năm nay, chúng ta đều đặn gửi phim sang, có tác phẩm doanh thu trăm tỷ đồng, có tác phẩm được giải thưởng nghệ thuật, nhưng đều "trượt từ vòng gửi xe". Chúng ta nên đặt câu hỏi vì sao. Tôi nghĩ phim Việt khó có cửa ở Oscar, đầu tiên là do mặt tay nghề. Vấn đề sâu xa hơn là khi ra quốc tế, chúng ta cần nghĩ đến những mối quan tâm của nhân loại thay vì các câu chuyện cơm áo gạo tiền thông thường, bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Đó là môi trường, quyền con người, sự phân tầng giai cấp trong xã hội.
- "Đào, phở và piano" thu 21 tỷ đồng dù không phát hành rộng rãi. Ông nghĩ phim thành công nhờ điều gì?
- 50% thành công của phim đến từ may mắn. Còn lại là nhờ sự cố gắng của êkíp trong việc khai thác một đề tài cũ, mang đến một cách kể chuyện mới, khiến người xem xúc động. Những vấn đề tưởng chừng khô khan như chính trị, lịch sử, khi được nhìn từ khía cạnh cảm xúc, tâm trạng, thân phận con người sẽ dễ tiếp cận khán giả hơn. Chúng tôi đã khắc phục muôn vàn khó khăn để làm ra một thước phim mà xem kỹ sẽ biết là còn kém (cười).
Đạo diễn Phi Tiến Sơn trên phim trường "Đào, phở và piano". Ảnh: Hà Thu
- Phim thuộc dự án phát hành thí điểm các tác phẩm do Nhà nước đặt hàng, để đo lường hiệu quả ăn khách của dòng phim này. Theo ông, cần có cơ chế gì với các tác phẩm tương tự trong tương lai?
- Hiện Nhà nước vẫn có tư duy: "Chúng ta bỏ tiền ra làm phim, khi chiếu phải thu về 100% doanh thu". Với Đào, phở và piano, một số cụm rạp đã phát hành hộ, nộp toàn bộ tiền cho ngân sách Nhà nước. Nhưng đó là yêu cầu không thực tế.
Rạp phim phải chi trả tiền thuê nhân vật, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị. Vì thế, họ thường lấy một nửa. Ngoài ra, hệ thống rạp ở Việt Nam hiện nay đa số do nước ngoài đầu tư. Họ không thể phát hành một bộ phim ủng hộ lòng yêu nước của chúng ta rồi chịu thiệt thòi. Vì thế, cần một cơ chế mới.
- Ông thấy cái khó của những người làm phim lịch sử là gì?
- Đầu tiên đó là vấn đề kinh phí. Một phim lịch sử thường tốn kém gấp đôi, gấp ba. Do nguồn tiền hạn hẹp, cái gì chúng tôi cũng phải nâng lên đặt xuống, cân nhắc. Thứ hai là nội dung. Có nhiều vấn đề tưởng chừng như rõ ràng trong lịch sử, nhưng đến nay lại có thêm tư liệu, góc nhìn mới. Tuy nhiên, những điều này dễ dàng bị chụp mũ, coi là "lật sử". Chẳng hạn, có một thời dư luận băn khoăn việc hai chiếc xe số hiệu 390 và 843, đâu mới là chiếc vào dinh Độc Lập đầu tiên. Ngoài ra, biên kịch cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu tư liệu. Ví dụ giai đoạn phong kiến, sử chủ yếu ghi chép về tầng lớp vua chúa, quan lại, ít đề cập đến người dân. Chúng ta vì thế khó hình dung đời sống, lời ăn tiếng nói, tâm tư tình cảm của cha ông.
Khán giả thường mặc định phim lịch sử phải chính xác giống như một cuốn sách, trong khi điện ảnh chỉ lấy cảm hứng từ sự kiện. Tất nhiên, mỗi người đều có cảm nhận riêng nên dễ dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Chẳng hạn, Đào, phở và piano, cũng nhận khen chê về việc khắc họa nhân vật đại diện cho nhiều tầng lớp tham gia cuộc chiến bảo vệ thủ đô năm 1946. Ý tưởng của tôi khi làm phim là xây dựng hình ảnh người dân hồn nhiên, yêu nước, không kể xuất thân, thành phần. Tôi lắng nghe mọi góp ý.
Trailer phim "Đào, phở và piano". Video: Đoàn làm phim cung cấp
- Ông từng cho biết gần đây từ chối nhiều lời mời cộng tác của các hãng phim tư nhân. Lý do của ông là gì?
- Tôi không có khả năng làm phim ăn khách, phim thị trường, nếu bắt tay vào sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Tôi nghĩ lĩnh vực mình kém thì đừng nên cố, cứ tránh ra.
Đạo diễn các tác phẩm trăm tỷ, tôi cho rằng họ là người hiểu khán giả. Mà muốn hiểu thì anh phải quan sát, thâm nhập đời sống giới trẻ, biết được đoạn nào sẽ khiến họ hét toáng lên, chiêu nào chọc họ cười khúc khích hay cảnh nào khiến họ sững sờ. Đó là vốn sống mà tôi thiếu. Các đạo diễn trẻ, nhất là đạo diễn phía Nam, giỏi hơn tôi rất nhiều. Họ nắm bắt được thị hiếu của người xem, đó là bản chất của giải trí. Mà rõ ràng người xem ra rạp chủ yếu vì điều này, chứ chẳng cần một bộ phim lên lớp họ.
Tôi thấy vui vì gần đây phim nội địa đang dần lấy được vị thế ở phòng vé. Nhưng thực tế khán giả ra rạp chủ yếu ở thành phố, thị trường ở các tỉnh đang bỏ ngỏ.
- Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành mới đây nhận xét "Điện ảnh phía Bắc kém phát triển", ông nghĩ sao?
- Phải thừa nhận điện ảnh phía Bắc đang rất yếu, không có cơ sở hoạt động. Mỗi năm, thị trường cho ra đời từ một đến hai, trong số khoảng 40 phim của cả nước. Đó là điều đáng buồn. Phía Bắc không thiếu tài năng, nhưng chẳng ai làm được gì trong sân chơi nhỏ hẹp và heo hút ấy.
- Ông có dự định gì trong thời gian tới?
- Tôi đang viết một kịch bản mới, hy vọng có thể bắt tay sản xuất vào năm sau. Về nội dung, tôi muốn giữ bí mật.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn 70 tuổi, từng là sinh viên Đại học Bách Khoa. Năm 1972, ông nhập ngũ. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông tiếp tục việc học. Khi ấy, đạo diễn được một người bạn động viên, thi vào khoa quay phim của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau năm đầu, ông được cử đi học ở Đức tám năm. Về nước, ông công tác ở Hãng Phim truyện Việt Nam, là tay máy chính của các phim Cạm bẫy tình, Những năm tháng đẹp.
Ông giành giải Quay phim xuất sắc ở ba kỳ Liên hoan phim Việt Nam với Lá ngọc cành vàng (1990), phim thiếu nhi Truyền thuyết tình yêu thần nước (1993), Giọt lệ Hạ Long (1995).
Ông từng cùng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm góp vốn thành lập Trung tâm Điện ảnh Trẻ, làm phim Em còn nhớ hay em đã quên.
Sau vài năm, ông làm việc ở Hãng Phim truyện I, với vai trò quay phim, đạo diễn, biên kịch. Ông đạo diễn một số phim nổi tiếng như Người thổi tù và hàng tổng, Vào Nam ra Bắc, Lưới trời. Đầu năm nay, phim Đào, phở và piano của ông tạo ra "cơn sốt" săn vé. Tác phẩm lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn.
Hà Thu