Vợ chồng đấu khẩu là một trong những nỗi khổ tâm của người phụ nữ 35 tuổi. Từ sáng sớm đến đêm muộn, hễ đụng chuyện dù to hay nhỏ chị và chồng cũng có thể cãi cọ và thường là bất phân thắng bại. Họ chỉ dừng lại khi một trong hai người thấm mệt.

"Biết là không nên như thế, nhưng lúc tức lên tôi không thể nhịn được", chị phân trần, khi cán bộ tổ dân phố đến nhắc nhở.

Thời con gái chị Hạnh có không ít bạn trai theo đuổi nhưng cuối cùng chọn anh chồng hiện tại vì kiệm lời, tốt tính. Nhưng lấy nhau, chị mới biết chồng không kiệm lời mà còn thích đấu khẩu.

Tháng trước, gia đình mua chiếc nồi cơm điện mới. Ban đầu anh chồng vui vẻ nhưng lúc sau chê "nhà có ba người mà mua cái nồi to như nấu cơm cho cả huyện". Khi vợ giải thích nếu mua nồi bé, mỗi lần ông bà lên chơi hoặc có khách lại phải nấu hai lần. "Đã dốt lại hãy cãi", anh chồng đáp. Cuộc hội thoại của hai vợ chồng cứ thế nóng dần và đỉnh điểm là màn đấu tố mọi thói hư, tật xấu của nhau.

"Nhà này có thể cãi nhau bất cứ lúc nào. Một năm dọa bỏ nhau mấy lần", cán bộ tổ dân phố nơi chị Hạnh sống, kể.

z5949676902390-9be91cd2e265fef-7545-6463-1729932063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fXVBmyNtQViGF_Tt6psuIg

Ảnh minh họa: Unsplash

Ở Nha Trang (Khánh Hòa), anh Ngọc Hùng, 42 tuổi, cũng thấy áy náy khi suốt ngày để các con thấy bố mẹ cãi lộn. "Vợ chồng tôi không ghét bỏ gì nhau cả, nhưng không bao giờ có tiếng nói chung", anh nói.

Trong chuyện học hành của con, anh Hùng muốn giảm bớt học thêm để đỡ căng thẳng, vợ thì muốn tăng. Anh thích cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài trời để khám phá, vợ thì muốn cho vào các trung tâm học năng khiếu. Xây ngôi nhà, ông chồng chuộng phong cách tối giản, vợ thích kiểu hiện đại.

Đến những chuyện như vài hạt gạo rơi ra sàn nhà hai vợ chồng cũng có thể cãi vã, nổi đóa với nhau. ''Chắc do vợ chồng tôi xung khắc tuổi nên thế'', anh Ngọc, người có cuộc hôn nhân gần 20 năm, nói.

Theo các chuyên gia, tranh luận, cãi vã rất phổ biến trong đời sống vợ chồng. "Nhưng đằng sau những xung đột về ngôn từ là khác biệt về đời sống tâm lý cá nhân, tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc và hệ giá trị", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (TP HCM) nói.

Bà cho rằng, xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển giao, cái cũ như tính gia trưởng vẫn tồn tại và cái mới hay cái tôi cá nhân, đặc biệt ở nữ giới đang ngày càng phát triển. Một người chồng nếu vẫn giữ thói gia trưởng, trong khi người vợ có cái tôi cá nhân cao, xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những người có giáo dục, hiểu biết, biết trân trọng nhau thì vẫn sống hòa thuận trong sự khác biệt.

Chuyên gia tâm lý gia đình Hồng Hương (Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng đôi khi việc dán nhãn giới tính cũng có thể khiến vợ chồng khắc khẩu. Ví dụ, người vợ mặc định đàn ông không được nói nhiều, còn người chồng nghĩ phụ nữ phải nhẫn nhịn, dịu dàng. Khi anh chồng phàn nàn, chị vợ cự cãi, xung đột chắc chắn nổ ra.

Bên cạnh đó, có những cặp vợ chồng vốn hòa hợp về đời sống tâm lý, tính cách, nhưng áp lực cuộc sống khiến họ trút buồn bực lên đối phương.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng dù các cuộc tranh cãi thường kết thúc đột ngột và chóng vánh giống như lúc nó bùng phát nhưng nếu tình trạng khắc khẩu kéo dài, có thể dẫn đến mâu thuẫn gia đình, thậm chí đổ vỡ hôn nhân.

Nghiên cứu năm 2022 của Viện Gia đình và giới cho thấy hầu hết những cặp vợ chồng ly hôn trước đó họ đã không còn thường xuyên giao tiếp với nhau mỗi ngày.

Các tác giả của nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân nhiều cặp vợ chồng không còn đối thoại với nhau là do người vợ hoặc chồng có cách nói dễ gây mâu thuẫn, xung đột như mở miệng là chỉ trích, chê bai, so sánh, xúc phạm, gây tổn thương nhau.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Ly hôn & Tái hôn (Mỹ), trong 886 cặp đôi ly hôn được khảo sát, 53% nói rằng thực tế do họ "không thể nói chuyện được với nhau".

Anh Ngọc thừa nhận khi cãi vã, hai vợ chồng thường dùng những lời lẽ rất tệ để tấn công nhau. ''Câu cửa miệng của cô ấy mắng tôi là 'đồ đàn bà', người chồng nào chịu để yên'', anh nói.

Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm cho biết một nghiên cứu tâm lý học chứng minh có tới gần 70% các mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng không thể giải quyết. Vì vậy, khi xung đột, cãi vã, vợ chồng nên ngồi xuống nói chuyện với nhau, phân tích xem nó là loại mâu thuẫn có thể giải quyết được hay không. Nếu không thể giải quyết, cả hai thử cân nhắc xem mình có tha thứ, chịu đựng được nhau không. ''Nếu không thể chấp nhận thì phải đường ai nấy đi'', bà Tâm nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý gia đình Hồng Hương cho rằng bên trong mỗi người luôn có một đứa trẻ. Vì vậy, thay vì đứng ở hai bờ chiến tuyến, hãy chú ý đến bạn đời hơn, học làm đồng minh của anh (cô) ấy. Nếu tổn thương, căng thẳng, hãy chỉ dẫn cụ thể cho bạn đời biết, lần sau anh (em) nên nói thế này - một cách nghiêm túc, tỉ mỉ hoặc hỏi người kia xem muốn phản ứng thế nào.

Mỗi người cũng cần hiểu vai trò của mình. Khi người kia chỉ muốn chia sẻ, người còn lại cần lắng nghe, không hỏi, cũng đừng đưa ra lời khuyên.

Anh Ngọc đã thử áp dụng lời khuyên chuyên gia cho cuộc hôn nhân của mình. Tối hôm trước, khi hỏi vợ về lịch học của con, do đang xử lý gấp công việc trên điện thoại, cô cáu kỉnh quát chồng 'Im đi!''. Bình thường, anh Ngọc sẽ cáu lên và phản ứng lại nhưng lần này bình tĩnh nói: ''Em chỉ cần nói với anh em đang bận là được mà''. Vợ anh nghe xong chỉ im lặng.

Đó là lần đầu họ không thổi bùng xung đột sau 20 năm kết hôn.

* Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022