Người phụ nữ 37 tuổi biết nguyên nhân là anh chồng đi vệ sinh và quên xả nước. Chị làu bàu nhắc chồng còn anh Đức (chồng chị) trách vợ mới sáng ra gây căng thẳng, rồi bỏ xuống nhà.

Sau nửa tiếng cọ nhà vệ sinh, chị Thu về phòng gấp gọn đống chăn màn chồng để lại, nhặt tất, quần áo mỗi nơi một chiếc cho vào máy giặt. Bữa sáng của chồng con xong, chị mất thêm nửa tiếng nữa rửa bát, lau dọn bàn ghế. "Chồng ngủ dậy là cắp cặp đi làm. Bãi chiến trường còn lại là của tôi'', chị nói.

Mong ước lớn nhất của chị Thu là mỗi tháng chồng vắng nhà vài tuần hoặc đi đâu đó càng lâu càng tốt để chị không phải vừa lo chăm con vừa phục vụ anh.

Thu và chồng đều là dân công sở. Ngoại trừ thời gian đi làm, về nhà, mọi việc lớn bé đều một tay Thu lo liệu. Chăm sóc con cái với chị không là gánh nặng. Chồng không san sẻ Thu cũng không cần. ''Tôi chỉ ước không phải chăm chồng như con là được'', chị kể.

Chị Nguyễn Thị Thu làví dụ điển hình của những phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động nhưng vẫn phải đảm nhiệm gần như toàn bộ việc chăm sóc con cái và việc nhà, như khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, năm 2022.

"Gần 70% phụ nữ Việt Nam tham gia thị trường lao động, cao hơn hẳn tỷ lệ 47% ở cấp độ toàn cầu và gần 44% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng có gần 20% đàn ông Việt Nam không bao giờ lo việc nhà", báo cáo của ILO viết.

Chị Thu nói không thể nhớ hết số lần đề nghị chồng chủ động dọn dẹp những thứ anh bày ra. Ban đầu chị tâm sự, sau trách mắng, quát nạt, nhưng anh Đức chỉ thay đổi vài ngày rồi đâu lại vào đấy.

Đã thế, anh còn hay dỗi vợ. Nếu chị Thu nói nặng lời, anh về nhà mách mẹ. Mẹ chồng bênh con trai, bảo con dâu ''nếu chị bận quá để thằng Đức với mấy đứa sang nhà tôi ăn''.

462537427-724612073192347-1156-2345-5757-1728723326.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ql_kGUZ5hn1wUKvZV03UoQ

Ảnh minh họa: M.N

Ở Hải Dương, anh Trần Văn Đức, 30 tuổi, nghiện game nên luôn bị vợ quản lý giờ sử dụng điện thoại, máy tính. Đi làm về, anh cầm điện thoại vào nhà vệ sinh chốt cửa. Ăn tối xong, anh lên phòng mở máy tính chơi game đến gần sáng. "Mọi việc lớn bé trong nhà một tay vợ làm'', chị Kiều Oanh, vợ anh nói.

Người vợ thấy mình vẫn may mắn khi bố mẹ chồng hiểu chuyện, biết tính con trai. Khi chị tâm sự, ông bà cùng xúm vào mắng anh. Theo "luật" của chị Oanh, một tuần anh Đức được chơi game thoải mái vào hai buổi tối cuối tuần. Ngày thường, anh được chơi hai tiếng, sau đó nộp lại điện thoại cho vợ. Để có hai tiếng thư giãn đó, anh lau nhà, cọ bồn cầu và đưa đón con đi học. Nếu Kiều Oanh muốn nhờ chồng đi chợ hay nấu cơm, chị phải tăng thời gian chơi game của anh.

Thế nhưng luật đưa ra không phải lúc nào cũng được chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều bữa đi làm về sớm, Đức ra quán ngồi chơi quên cả đón con.

Những người cưới phải một ông chồng như đứa trẻ to xác giống chị Kiều Oanh hay chị Thu không hiếm. Chuyên gia tâm lý Chử Thị Thanh Hương (TP HCM) cho biết, kinh nghiệm hơn 10 năm làm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân, bà rất tiếc khi thấy thực trạng phụ nữ phải ''chăm chồng như con'' phổ biến như một căn bệnh xã hội.

Ông Hoàng Anh Tú, admin diễn đàn tâm sự chuyện hôn nhân gia đình có khoảng 180.000 thành viên, cho biết gần như mỗi ngày đều có bài viết của những người vợ lấy phải chồng ham chơi, cư xử như trẻ con. Lời than phiền phổ biến của các bà vợ là "cưới chồng xong mình kiêm luôn làm mẹ" hay "nhà toàn trẻ con", "chồng là con lớn trong nhà".

Theo bà Thanh Hương, có nhiều nguyên nhân khiến đàn ông sống như những đứa trẻ to xác, trong đó, có cách giáo dục của gia đình. Những bà mẹ nuông chiều và những ông bố vô tâm tạo ra đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ. Khi trở thành chồng, ''đứa trẻ'' trong họ vẫn không thay đổi, thiếu nhiều tư duy và kỹ năng.

Ở chiều ngược lại, nhiều phụ nữ từ nhỏ đã được dậy phải chu toàn việc nhà, chăm sóc người khác. Vì vậy, khi lập gia đình, họ mặc định trong tư duy đó là việc của mình.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Tú cũng cho rằng nhiều phụ nữ không vượt qua được định kiến về vai trò giới. Họ nghĩ mình phải chịu trách nhiệm mọi thứ liên quan đến gia đình nên ôm đồm, muốn làm mọi thứ thật tốt.

''Nếu nhà cửa bừa bộn, họ sợ bị chê là vợ đoảng, vợ lười nên chồng không làm mình phải làm'', ông Anh Tú nói.

Chị Thu thừa nhận mình có phần khó tính, muốn làm gì cũng phải chỉn chu. Khi chị nhắc nhở, chồng có cọ bồn cầu hay rửa bát. Nhưng Thu thấy anh chỉ làm đối phó, đại khái. Nếu bị vợ nói, anh chồng vùng vằng bỏ đi, bảo ''nói lắm, thích thì đi mà làm lấy''. Không muốn gia đình xào xáo, chị nhịn cho xong.

Chuyên gia khẳng định làm ''bảo mẫu'' của chồng sẽ dần khiến phụ nữ chán nản, hôn nhân trở nên nặng nề. Nhiều phụ nữ tìm đến bà tâm sự họ rất cô đơn dù có chồng bên cạnh vì phải một mình gánh hôn nhân. "Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ đệ đơn ly hôn'', bà Thanh Hương nói.

Chị Thu đã nhiều lần viết đơn ly hôn rồi lại xé. Mối quan hệ giờ không chỉ liên quan đến hai người, mà còn con cái, họ hàng hai bên. ''Ở cũng dở và đi cũng không đành'', chị nói.

Chuyên gia Chử Thanh Hương cho rằng khi lựa chọn bạn đời, phụ nữ cần có thời gian tiếp xúc để biết tính cách đối tượng mình muốn lấy làm chồng có tính trẻ con không. Cũng nên tìm hiểu gia đình anh, xem cách giáo dục thế nào, bố anh ta có chia sẻ việc nhà với mẹ không.

Nếu đã lỡ lấy phải một người có tính trẻ con, phụ nữ cần học cách chia sẻ trách nhiệm, công việc chung với chồng. ''Cần giúp anh ấy trưởng thành trong vai trò của mình, đừng gánh vác một mình rồi ôm lấy ấm ức'', bà Thanh Hương nói.

Chuyên gia khuyên nên khen ngợi để chồng nhận ra giá trị bản thân khi có thể mang lại niềm vui cho vợ con. Lúc đó, không cần bạn nhờ, anh ấy cũng tự nguyện gánh vác trách nhiệm gia đình. Phụ nữ cũng không nên quá cầu toàn, đòi hỏi chồng phải làm việc nhà tươm tất như mình, để bớt gây áp lực cho cả hai.

Ông Hoàng Anh Tú khuyên các chị em nếu chồng trẻ con thì mình phải cư xử như người lớn, không chấp nhặt, không cãi tay đôi. Thay vì cáu giận nên điềm tĩnh nói thẳng mong muốn của mình. "Nhiều khi chỉ cần đổi cách nói cũng sẽ đổi không khí gia đình, cho người chồng cảm giác mình có thể che chở cho vợ, con'', ông nói.

Chị Thu cũng đã thử mặc kệ mọi thứ xem chồng có phụ mình dọn dẹp không. Nhưng trong khi các con đã bắt đầu biết làm việc nhà và chê bố lười, anh chưa thay đổi.

''Có lẽ đến tuổi 70, anh ấy vẫn mãi là ''cu Đức'', như mẹ chồng tôi đang gọi'', chị nói.

* Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022