William Andrew Maley cùng vợ là chị Quỳnh Như và hai con trai đang sinh sống tại thành phố Surprise, bang Arizona. 16 năm trước khi sang Mỹ lấy chồng, vì nhớ nhà nên chị Như trồng trước cửa vài bụi hành, ớt và rau sống mang hương vị quê hương. Mỗi khi vợ đi làm, anh William - một nhạc công - lại chăm sóc giúp.
"Em mong có khu vườn trồng ngập hoa quả, rau củ Việt Nam. Khi đó em sẽ nấu những món ngon quê nhà cho anh và các con", Như nói với chồng về ước mơ của mình.
Anh William Andrew Maley cải tạo thêm đất trồng rau sau khi trồng thành công một số cây ăn quả, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng về quê vợ nhiều lần và đi phượt từ Nam ra Bắc, William đặc biệt yêu thích ẩm thực và hoa quả Việt Nam. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ở Arizona, không thể đi làm, lại biết thông tin mảnh đất gần nhà rao bán, người chồng lập tức mua lại, mong biến ước mơ của vợ thành hiện thực.
Vì chủ cũ bỏ hoang đã lâu nên khu đất không có cổng, hàng rào hay lối vào, cỏ dại cao ngút đầu. Đang dịch bệnh không thể thuê người, William một mình dọn vườn, cuối tuần mới có thêm sự giúp đỡ của vợ. Để diệt cỏ dại, anh lái máy xúc vỡ từng thửa đất nhỏ, nhặt hết rễ cỏ, loại bỏ sỏi đá. Sau đó cải tạo đất bằng việc tận dụng mọi phế liệu từ nhà bếp, băm nhỏ những cành cây gỗ chờ mục dần và dùng phân bò, bên cạnh đổ thêm đất mới.
Vốn không quen lao động chân tay, ban đầu cứ làm được một tiếng là William phải nghỉ, tay chân chi chít vết thương do cỏ và sỏi đá nhọn cứa vào. Vết thương cũ chưa lành lại xuất hiện vết thương mới. Khi quen dần, người đàn ông này tăng dần thời gian làm việc từ hai tiếng lên 7-8 tiếng mỗi ngày.
Cỏ dại không phải khó khăn duy nhất. Vùng Arizona khí hậu khô nóng, đủ nhiệt để trồng cây nhiệt đới, song luôn trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Trong vườn sẵn có chiếc giếng cũ, Willam phải đào hố làm đường ống dẫn nước quanh khu vực trồng cây, đồng thời làm thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để tránh bay hơi và tiết kiệm. Chỉ có một mình, kỹ thuật lại tự học trên mạng nên việc lắp ráp đường ống gặp nhiều khó khăn, vừa vùi đất xong ống bị vỡ, phải đào lên làm lại nhiều lần. Chỉ sau một tháng dãi mưa nắng, người đàn ông sụt gần 10 kg.
Sau vài tháng, Willam mới cải tạo được nửa diện tích vườn. Vì vợ thích cây ăn quả, ban đầu người chồng chọn xoài hạt lép, cóc, ổi, khế trồng thử nghiệm. Để có cây, anh phải lái xe vài tiếng mới tới được khu vườn chuyên bán giống cây bản địa Việt Nam, chọn lựa rồi đem về. Những cây giống thân chỉ bằng hai ngón tay nhưng được bán với giá lên tới 500 USD.
Giá cây giống đắt không phải trở ngại chính. Sau mùa hè nhiệt độ ngoài trời lên tới 45-46 độ C, xoài, mãng cầu chết sạch. Chỉ có những giống như cam, quýt, tắc là phát triển được. Không nản, William lại lục tung các trang mạng xem video hướng dẫn chăm sóc cây ăn quả vùng nhiệt đới tham khảo. Sau một thời gian người đàn ông này nằm lòng bản tính các loại trong vườn như lúc nào tỉa cành, lúc nào nên tưới nước, bón phân.
Đến năm thứ hai khi đất đai được cải tạo tốt hơn, xoài, ổi, khế đã thu hoạch những trái đầu tiên. Ngoài để ăn tươi, làm gỏi hay chế biến thành những món ăn thuần Việt, số còn lại chị Như mang biếu người thân, bạn bè.
"Khi biếu mọi người xoài hạt lép quả to, ai cũng khen William giỏi trồng vì xung quanh đó, chưa ai trồng nổi giống xoài này", Như khoe.
Anh William Andrew Maley bên giàn mướp được lấy giống từ Việt Nam trong khu vườn của mình tại thành phố Surprise bang Arizona. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ thành công của lứa đầu, người chồng tìm mua thêm giống cây thuần Việt khác như mía, mãng cầu, me. Theo William, anh không mua tùy hứng mà mỗi loại cây đều gắn bó mật thiết tới kỷ niệm thơ ấu của vợ. Như cây me chua, mãng cầu từng được trồng ở nhà bà cố và bà nội của chị Như tại Quy Nhơn, Bình Định. Trồng cây theo ý vợ, người chồng muốn tái hiện một phần tuổi thơ của chị ngay trên đất Mỹ.
Trồng cây ăn quả thành công, William lại khai hoang thêm đất để trồng rau củ và một số loại hoa. Đa phần hạt giống được đặt mua online hoặc người nhà mang từ Việt Nam sang như cà pháo, bụp giấm, dưa gang, bầu, bí, khổ qua và cả rau sam, chùm ngây.
Để chống sâu bệnh, người chồng Mỹ học cách giăng lưới, làm bẫy diệt côn trùng. Học hỏi trên các diễn đàn, anh có thêm kinh nghiệm trị sâu bệnh hay tăng năng suất rau củ từ việc kết hợp trồng các loại cây với nhau. Để tránh bệnh về rễ, William trồng hoa cúc xen kẽ các cây khác trong vườn, hoặc trồng hành hẹ dưới mướp đắng, cà chua để tránh bị rệp, kiến hay ong châm chích.
Ngay từ khi trồng vườn, William cũng xác định canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu. Phân bón ngoài phân bò còn có rác nhà bếp tự ủ. Trong tháng, ít nhất một lần người đàn ông này đi xin bã cà phê từ cửa hàng về rồi ủ bón cho cây. Được chăm sóc tỉ mỉ, rau củ quả trong vườn xanh tốt quanh năm.
Trước đây ở Việt Nam, chị Quỳnh Như ít nấu ăn nhưng từ khi có nguyên liệu tươi ngon từ khu vườn, những bữa cơm trong gia đình dần được thay thế bằng món Việt. "Tôi còn muối được cà pháo, thậm chí có cả rau sam luộc chấm cá kho. Nhiều người nhìn vào mâm cơm, cứ nghĩ tôi đang ở Việt Nam", người phụ nữ 38 tuổi nói.
Hiện trong vườn có khoảng 50 giống cây ăn quả, hơn 20 loại rau và rất nhiều loại hoa. Đến giờ chỉ cần nhắc tên một giống cây hay hoa nào đó, William đều nắm được đặc tính sinh trưởng.
Anh William Andrew Maley bên vườn rau của gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ khi có khu vườn, chị Quỳnh Như tích cực khoe thành quả của chồng trên nhóm trồng cây của người Việt tại Mỹ. Tại diễn đàn này, hai vợ chồng biết thêm nhiều người cùng đam mê, cũng như trao đổi giống cây rau mới.
Tự tay trồng trọt, chị Như và chồng đều cảm thấy hài lòng và tự tin khi ăn rau, củ quả trong vườn. Với người phụ nữ này, được trồng những loại cây quê hương cũng là cách nhắc nhở bản thân không quên văn hóa Việt, đặc biệt giúp hai con trai hiểu thêm về truyền thống dân tộc.
Còn với William, từ ngày có khu vườn, anh tích cực tìm hiểu thông tin về quê vợ, từ ẩm thực, du lịch cho tới văn hóa. "Ước mơ của tôi sau này khi về già sẽ cùng Như về miền Tây Việt Nam sinh sống để gầy dựng miệt vườn như người dân bản địa", người đàn ông Mỹ nói.
Hải Hiền