Cậu bé 15 tuổi ở huyện Phúc Yên cho biết từ đầu năm nay bệnh trở nặng, tế bào ung thư di căn khắp cơ thể. Sờ vào vết mổ, khâu chi chít ở bụng, Dũng khoe đây là "chiến tích" khi đã thành công vượt qua ca mổ kéo dài 12 tiếng.
"Thương bố một mình chăm sóc em ở viện, những lúc thấy bố khóc em tự dặn mình phải cố gắng chữa khỏi bệnh, nghe lời bác sĩ ăn uống đủ bữa dù mệt mỏi, buồn nôn", Dũng nói.
Anh Ngọc Bách (trái), 41 tuổi, cùng con trai Mạnh Dũng ở trọ gần bệnh viện K Tân Triều, tháng 12/2024. Ảnh: Nga Thanh
Dũng là con út của anh Nguyễn Ngọc Bách, 41 tuổi. Đầu năm 2022, khi đang đi bốc gạch thuê, tay phải anh Bách bị cuốn vào băng tải và phải cắt bỏ. Từ một người khỏe mạnh, ông bố đơn thân tuyệt vọng khi chỉ còn một tay để kiếm sống nuôi gia đình.
Bố xuất viện chưa được bao lâu, tháng 8/2022 Mạnh Dũng lại nhập viện bởi có dấu hiệu đau bụng quằn quại. Cậu bé sau đó được chuyển gấp xuống Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội bởi bụng ngày càng phình to, đau không dứt.
Đứng trước cửa phòng cấp cứu, người đàn ông 41 tuổi choáng váng khi nghe tin con được chẩn đoán u thận ác tính, tràn dịch màng phổi. Tiếng gào khóc, van xin của anh Bách khi bác sĩ nói "không còn hy vọng sống" khiến cả kíp trực lúc đó chấp nhận giữ bệnh nhân, tiêm morphine giúp Dũng dịu cơn đau.
Dũng được phẫu thuật cắt một bên thận trái để ngăn tế bào ung thư di căn rồi hôn mê suốt gần một tháng.
"9h tối bác sĩ cất máy thở, bảo vào nhìn con lần cuối, kỳ tích sẽ xuất hiện nếu con khao khát về bên bố", anh Bách kể. Người cha lúc đó chỉ biết tự đánh đập bản thân, đứng ngoài cửa phòng bệnh kêu gào con tỉnh lại.
3h sáng, Dũng bất ngờ cử động chân tay, mở mắt, thều thào gọi: "Bố ơi, con muốn sống". Cậu bé cào cấu, níu lấy bố khóc òa đòi ra ngoài bởi đã nằm viện quá lâu.
Cuối tháng 12/2022, cậu bé 15 tuổi được xuất viện về nhà tự uống thuốc, theo dõi và tái khám định kỳ. Nửa năm sau, khối u ác tính tiếp tục di căn, Dũng phải nhập viện K Tân Triều điều trị với chẩn đoán ung thư phần mềm ổ bụng giai đoạn cuối.
Lần này, anh Bách không khóc bởi đã chai sạn với nỗi đau, chỉ động viên con cố gắng, thu xếp quần áo vào viện. Anh kể con phải truyền máu liên tục, sau mỗi lần truyền lại nôn, khó thở. Nhìn con quằn quại trên giường bệnh với chi chít vết thương, người đàn ông 41 tuổi đôi lúc lại tủi thân, thấy bản thân bất lực khi không thể chăm sóc con như bao ông bố khác.
"Mất một tay, nhiều khi con cần đi vệ sinh, tắm rửa cũng phải nhờ người hỗ trợ hoặc chật vật để giúp con, nhiều lúc muốn cõng, bế con cũng không thể", anh Bách nói.
Thương bố, Dũng cũng cố gắng tự giác chăm sóc bản thân. Nhiều đêm cậu bé tỉnh giấc vì đau, tay chân yếu nhưng vẫn cố tự đi vệ sinh cá nhân. Lúc khỏe, Dũng còn giúp bố gấp quần áo hay đi dạo, kể chuyện cười an ủi bố.
Đầu tháng 12, trở lại viện sau vài ngày được bố cho về quê chơi, Dũng khoe ở nhà tự nấu cơm, rang thịt rồi tự uống thuốc để bố tranh thủ đi làm. Cậu bé nói không muốn là gánh nặng của cả nhà, lạc quan và cười nhiều hơn, tự tin chỉ vào những vết sẹo dài ở bụng và tự nhận mình là "siêu nhân".
"Ông nội bị ung thư phổi giai đoạn hai, anh trai phải đi làm thuê cùng bố lo cho phí chữa bệnh, em phải khỏe lại nhanh để đi học và thành công, báo hiếu bố", Dũng nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Nga Thanh