Người nhà từng hỏi bao giờ sẽ tái hôn không, cô cho biết sẽ ở vậy và dạy con trai những kiến thức y học cổ truyền mà chồng để lại để con sẽ trở thành một bác sĩ giỏi.

Đây cũng là lời hứa với chồng của cô Trương trước khi ông qua đời.

chuyen-tinh-1-1-5723-1723261087.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lif8u3EznpzLt_ZaMWhk5A

Ông Ôn Trường Lâm nhận giấy đăng ký kết hôn khi đã 71 tuổi, năm 2013. Ảnh: 163.com

Trương Phượng, sinh năm 1987 là em út trong gia đình có 5 người con. Khi cô ra đời, các anh chị đều đã lớn. Mẹ của Trương khi đó tuổi đã cao, lại sinh thêm con nên sức khỏe suy giảm trầm trọng. Gánh nặng đổ dồn lên người cha, khi đó phải đi làm ăn xa để lo kinh tế gia đình.

Ngay từ nhỏ, dù sức khỏe yếu nhưng Trương phải làm công việc đồng áng nặng nhọc và thường xuyên bị la mắng. Cô không có cơ hội vui chơi như những đứa trẻ khác trong làng vì gia đình nghèo, cũng chỉ được học hết cấp một.

Giữa năm 2001, cha Trương bị đột quỵ và nằm liệt giường. Không có tiền đi viện, gia đình phải nhờ tới ông bác sĩ làng tên Ôn Trường Lâm chữa chạy bằng đông y. Với sự giúp đỡ của ông, bố Trương đã thoát cơn nguy kịch.

Từ hôm đó, ông Ôn thường xuyên qua nhà chữa bệnh. Mỗi lần đến, không quên mang cho cô bé 14 tuổi ít đồ ăn tự làm. Hành động này khiến Trương cảm động bởi từ nhỏ chưa người lạ nào đối tốt với cô như thế.

Khi hai bên gia đình thân thiết hơn, Trương được ông Ôn chỉ cho kiến thức về đông y. Với cô bé, mỗi lần ông nói chuyện đều có sức hút đặc biệt. Sinh nhật thứ 16 của Trương, ông Ôn còn mua tặng chiếc bánh nhỏ, bởi biết cô gái này chưa từng được tổ chức sinh nhật.

Năm 2008, cha của Trương qua đời. Để lo tang lễ cho cha, cô vay mượn tiền của họ hàng nhưng không đủ. Ôn Trường Lâm biết chuyện liền đưa toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để gia đình vượt qua khó khăn. Sự trợ giúp kịp thời của ân nhân khiến cô gái càng thêm cảm mến, biết ơn.

Năm 2009, Trương Phượng lên thành phố làm việc. Anh trai và chị gái từng có ý định giới thiệu em gái cho một người đàn ông giàu có nhưng cô kiên quyết từ chối. Mỗi khi về nhà, Trương đều sang nhà Ôn giúp đỡ giúp ông làm một số việc như giặt giũ, nấu ăn hoặc may quần áo. Cô gái nhận ra tình cảm dành cho người đàn ông góa vợ vượt xa lòng biết ơn đơn giản. Ông Ôn cũng nhận thấy tình cảm trong mình lớn dần, nhưng nghĩ đến chênh lệch 45 tuổi nên quyết định chỉ giữ trong lòng.

Vào sinh nhật thứ 23, cô gái lấy hết can đảm thổ lộ tình cảm đồng thời ngỏ lời cầu hôn khiến người đàn ông gần 70 thấy choáng váng. Ông thẳng thừng từ chối vì không muốn làm hỏng tương lai của cô. Nhưng Trương vẫn không bỏ cuộc, cô nghỉ việc trên thành phố và kiên quyết đến sống ở nhà Ôn Trường Lâm.

Nhìn thấy sự si tình và bản lĩnh của Trương Phượng, người đàn ông dần trút bỏ gánh nặng tâm lý và quyết định ở bên cô gái.

Mẹ Trương vô cùng tức giận khi biết con gái mình yêu một ông già hơn 45 tuổi. Bà đến nhà ông Ôn và ra sức mắng mỏ hai người. Bốn người con của Ôn cũng phản đối mối quan hệ này. Dù vậy cả hai đều khẳng định, họ yêu nhau thật lòng.

Năm 2013, Trương Phượng phát hiện mình có thai nên cùng Ôn Trường Lâm đi đăng ký kết hôn và chụp ảnh cưới, chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp.

Những ngày sống bên nhau, với sự chăm sóc của Ôn Trường Lâm, Trương Phượng không còn ốm yếu như lúc nhỏ. Cô luôn thấy khỏe mạnh và tràn ngập hạnh phúc.

Để có thêm kinh tế nuôi con, ngoài chữa bệnh cho người làng, ông Ôn còn nhận thêm trông coi chùa và làm ruộng. Ông cũng dạy vợ những kiến thức về đông y, với hy vọng sau này cô có thể thay ông chăm sóc sức khỏe dân làng. Mỗi lần đến sinh nhật Trương, người chồng cũng không quên mua bánh kem tặng vợ.

Biết mình đã già, ông Ôn muốn lưu lại kỷ niệm cho Trương và con trai, nên dành nhiều thời gian viết thư. Trong thư gửi vợ, người đàn ông này luôn bắt đầu bằng câu: "Trương Phượng thân mến, em là một người vợ tốt, anh rất tôn trọng em".

Nội dung những bức thư Ôn gửi vợ đều nói về tình yêu ông dành cho cô và con trai, đồng thời khẳng định sự xuất hiện của hai người là "món quà tuyệt vời nhất" những năm cuối đời. Ông mong vợ sẽ nuôi dưỡng con trai thành một người tốt và hy vọng hai mẹ con luôn được hạnh phúc.

Trong bức thư gửi con trai, ông Ôn nhắn nhủ khi lớn khôn, con sẽ không vì những lời đàm tiếu của thế gian mà bất kính với mẹ. "Đừng nghe lời đồn thổi, hãy nghe lời mẹ dạy và đừng lạc lối. Bố mẹ đến với nhau bởi tình yêu chân thành", ông viết.

chuyen-tinh-2-2-4929-1723261087.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5KTapLc1qsEdGKiaXF5AaQ

Gia đình hạnh phúc của Ôn Trường Lâm và Trương Phượng khi con trai tròn một tuổi. Ảnh: toutiao

Tháng 10/2021, Trương Phượng gửi con trai cho mẹ rồi cùng Ôn Trường Lâm đi du lịch nhiều nơi. Họ cùng nhìn ngắm những con gấu trúc khổng lồ ở Tứ Xuyên, cùng leo lên Vạn Lý Trường Thành và ngắm nhìn làn khói trên sa mạc lúc hoàng hôn. Dù đi đến đâu cũng bị nhầm là cha con, thậm chí là ông cháu nhưng cả hai đều cười đáp "Tình cảm chân thật không nên bị ràng buộc bởi tuổi tác".

Chuyện tình của cặp đôi sau đó được nhiều cơ quan truyền thông tại Trung Quốc biết tới và đưa tin.

Năm 2022, ở tuổi 81, sức khỏe ông Ôn ngày càng giảm sút, phải nằm liệt giường. Lúc này, Trương Phượng luôn ở bên chăm sóc chồng. Sau ngày chồng mất, Trương Phượng đã viết trên trang cá nhân "Tình yêu của chúng ta vẫn luôn ở đó. Dù anh ở đâu em vẫn sẽ mãi là vợ anh".

Hiện tại, để tiếp nối công việc của chồng, Trương học thêm về đông y. Cô còn bán hàng online, trang trải chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con.

Lúc rảnh, Trương thường lật giở những bức thư chồng để lại và không ngừng khóc mỗi khi đi qua cửa hàng bánh sinh nhật. Với người phụ nữ này, khi hai người yêu nhau được ở bên nhau, mọi khoảnh khắc đều là mãi mãi.

Trang Vy (Theo toutiao)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022