Ngoài những lúc đó, thế giới của cậu bé 7 tuổi quê Bình Định là căn phòng điều trị nội trú của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Phát bị ung thư máu nên phải cách ly hoàn toàn với môi trường ngoài, tránh nhiễm khuẩn.

Nhìn bác sĩ mặc bộ blouse trắng, đeo ống nghe chẩn tình hình sức khỏe, Phát thấy "ngầu" và liên tục đặt câu hỏi làm thế nào để trở thành bác sĩ. Chị Hồ Thị Hợp (mẹ bé) dối con là phải chữa xong bệnh, khỏe mạnh và học giỏi mới làm được bác sĩ.

Nghe mẹ nên mỗi lần hóa trị, dù chân tay lở loét, người yếu dần nhưng cậu bé vẫn gắng chịu đựng, không khóc quấy.

pha-t-1739692593-4358-1739694422.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BHoTSh_cvb6lcQDM8TKc5Q

Nguyễn Thành Hòa Phát, 7 tuổi, mắc ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, quận 1, TP HCM, 16/2/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hòa Phát là con út trong gia đình ba người con của chị Hợp, 43 tuổi và anh Thành Luân, 42 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, Bình Định.

Năm 2013, chị Hợp sinh Tâm Anh, con gái đầu lòng mắc hội chứng Down bẩm sinh. Thay vì bỏ thai theo lời khuyên bác sĩ, chị muốn giữ con bởi Tâm Anh là khao khát của vợ chồng Hợp sau ba năm hiếm muộn, phải thụ tinh nhân tạo.

Cô bé 12 tuổi bị Down kèm biến chứng đục thủy tinh thể nên không thể nhìn xa, khó khăn khi đi lại, sinh hoạt thậm chí không thể nói rõ lời. Để có chi phí khám chữa bệnh cho con, vợ chồng chị Hợp nghỉ việc công nhân ở TP HCM về quê lao động tự do để bớt khoản thuê nhà trọ.

Chị Hợp ở nhà nội trợ, chăm con, anh Luân tiếp tục đi phụ hồ, bốc vác, tháng kiếm được 4-5 triệu đồng. Năm 2015, chị Hợp sinh con trai thứ hai và đến năm 2018, Phát chào đời. Sự xuất hiện của Phát khiến gia đình nhỏ hạnh phúc hơn bởi cậu bé lém lỉnh, biết phụ mẹ chăm sóc chị cả. "Thay vì sợ sệt, Phát rất thích chơi trò làm bác sĩ, khám bệnh, bón cơm cho chị hai", người mẹ kể.

Tưởng như đã vơi bớt được phần nào nỗi đau con gái bệnh thì đến tháng 11/2024, chị Hợp ngất lịm trước cổng bệnh viện khi chồng báo tin Phát ung thư. Trước đó, thấy cơ thể con trai xuất hiện nhiều vết bầm tím, nổi mẩn đỏ, mẹ Phát chỉ nghĩ con mình bị sởi hoặc trầy xước do đùa nghịch.

Cùng con đi xe khách 600 km từ Phước An đến viện Nhi Đồng 2, quận 1, TP HCM khám bệnh, anh Luân mặt tái mét, đứng không vững khi bác sĩ báo con mắc bạch cầu cấp dòng Lympho, một dạng ung thư máu ác tính. Nhìn các bệnh nhi gào khóc vì đau đớn, người bố rùng mình ám ảnh bởi với bệnh này, con có thể bỏ anh bất cứ lúc nào.

Sau cú sốc tinh thần, vợ chồng chị Hợp dặn nhau phải gắng gượng, làm điểm tựa tinh thần cho con. Phát nhập viện ngay sau đó để chuẩn bị cho đợt hóa trị đầu tiên. Những tuần đầu, cơ thể cậu bé 7 tuổi phản ứng dữ dội bởi thuốc. Phát không ăn uống được, người mẩn đỏ vì dị ứng, tóc rụng, sốt cao. Có thời điểm, cậu bé lả đi trên tay mẹ bởi kiệt sức vì nôn khan. Nhiều lần nghe con trai nói "ước con không sinh ra để không phải đau đớn, mẹ đỡ khổ", người mẹ nước mắt chảy ngược vào trong, động viên con cố gắng.

Hơn ba tháng ở viện điều trị, Phát phải ăn uống theo chế độ, chỉ được chơi ở phòng. Không được chạy nhảy cùng bạn bè ở lớp, cậu bé 7 tuổi tìm niềm vui bằng cách vẽ tranh, đọc truyện, chơi đồ chơi làm bác sĩ. Phát nói ghét bác sĩ mỗi lần tiêm hay làm Phát đau nhưng khi biết nhờ vậy bệnh mới thuyên giảm thì cậu bé lại ấp ủ lớn lên sẽ theo nghề.

"Ở viện ai cũng khen "bác sĩ Phát" không khóc, nghe lời, khi không mệt, bé thường đi trò chuyện, làm quen với các bác sĩ, bệnh nhân trong buồng", chị Hợp kể. Sự hoạt bát, hiếu động của con trai khiến người mẹ vừa tự hào vừa quặn lòng.

Dù mạnh mẽ nhưng dịp Tết năm nay, phải ở lại viện điều trị, Phát khóc liền mấy tiếng không ngừng vì nhớ nhà. Cậu bé 7 tuổi thèm cảnh được cùng gia đình ngắm pháo hoa, đi chúc Tết, nhận lì xì, nô đùa cùng đám trẻ hàng xóm. Phát cũng nhớ chị hai, qua màn hình điện thoại nhìn chị hai cùng anh trai lủi thủi ở nhà cùng nội, cậu bé lay mẹ đòi về. Vợ chồng chị Hợp thương con nhưng bất lực.

Sau Tết, bệnh của Phát trở nặng, bác sĩ phải đưa ra phác đồ mới, truyền thuốc liều cao. Những lần đánh thuốc, cậu bé lại mê man, khó thở, chân tay lở loét, sức khỏe yếu dần.

"Mỗi lần như thế con lại khao khát được trở lại trường, được làm bác sĩ cứu người, vì ước mơ, vì tương lai của con, tôi sẽ làm mọi cách", người phụ nữ 43 tuổi nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Nga Thanh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022