Ở thời điểm này, một trong những nỗi lo lớn nhất của dân văn phòng chính là cắt giảm nhân sự. Người trẻ đi làm, kinh nghiệm dù ít hay nhiều, vẫn chẳng thể thoát cảnh “như ngồi trên đống lửa” vì thấy bạn bè thi thoảng lại than thất nghiệp.

Nhưng không chỉ có chúng ta sợ điều này, bố mẹ chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Tất cả các ngành nghề, các vị trí từ lao động trí óc tới lao động tay chân, ai cũng có thể bị sa thải…

Cô gái chia sẻ đoạn tin nhắn với bố khiến nhiều người đọc mà rưng rưng

Cô viết: “Thật ra, lý do mình muốn cố kiếm thật nhiều tiền là để lo được cho bố mẹ.

Vì khi đọc được dòng tin: “Bố bị đuổi rồi”, tớ ước có thể nhắn lại với bố rằng: “Không sao, con nuôi bố”.

Bố tớ cũng làm nhiều nghề lắm, mà bố hay thích làm chủ chứ không mấy khi đi làm thuê, bố thích làm gì mẹ cũng chiều theo ý bố nhưng được một thời gian là bố chán bố nghỉ. Mẹ luôn là hậu phương theo sau ủng hộ bố, gần đây bố mới đi làm thuê lại nên tớ cũng sợ bố nản. Tớ muốn cố gắng hơn để bố đỡ phải vất vả…”.

450469180854025903444921177297055425848159n-17450516782011933755725-1745105716874-1745105717279793694424.jpg

Đoạn tin nhắn chỉ vẻn vẹn vài dòng nhưng đằng sau đó lại là biết bao nỗi lo…

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đã động viên cô gái. Được biết, cô hiện đang là sinh viên của một trường Đại học tại Hà Nội. Nhiều người nhấn mạnh rằng còn là sinh viên, cố học, lấy được học bổng thì cũng đỡ được bố mẹ phần nào; rồi cố đi làm thêm vừa kiếm tiền, vừa có kinh nghiệm, sau này đi xin việc cũng đỡ lo. Sinh viên mà nuôi được bố mẹ thì hơi khó, đó là mục tiêu của tương lai, còn giờ cứ cố gắng học là được.

"Đọc tâm sự này của bạn lại nhớ tới câu chuyện của chính mình nhiều năm về trước. Gia đình mình gặp biến cố, mẹ mình đã nhắn tin hỏi mình có thể gửi mẹ ít tiền không. Điều này trước giờ mẹ chưa từng hỏi. Và khi mẹ đã phải hỏi có nghĩa là tình hình thực sự tệ hại. Lúc đó mình đã dằn vặt và thậm chí thất vọng, chán ghét về bản thân vì không đủ sức giúp đỡ người thân của mình trong lúc họ cần nhất. Bao năm qua mình cố gắng phấn đấu chỉ vì 1 điều duy nhất: Có đủ khả năng làm chỗ dựa cho những người mình yêu" - Một người đồng cảm.

"Cố từng chút một từ giờ rồi sau này sẽ nuôi được bố thôi em ạ. Giờ là sinh viên thì cố học giỏi, cố đi làm thêm kiếm tiền để bố mẹ không phải chu cấp cho em nữa. Bao giờ đi làm thì cố gửi một chút về cho bố mẹ, có thể bố mẹ cũng chẳng cần đâu và số tiền mình gửi cũng chẳng đáng là bao, nhưng bố mẹ sẽ vui lắm đấy. Cố lên em nhé" - Một người động viên.

Làm sao để cân bằng giữa việc "chuẩn bị tài chính cho bản thân" và "báo hiếu cha mẹ"?

Trong hành trình trưởng thành, cân bằng giữa việc chuẩn bị tài chính cho bản thân và trách nhiệm báo hiếu cha mẹ là một bài toán không đơn giản, đặc biệt là với những bạn trẻ thu nhập chưa cao, chưa ổn định.

21b1d4a5baa042cbeafbe6aff26b4144-17450517302182021260379-1745105718083-17451057182171350498947.jpg

Ảnh minh họa

Áp lực khi sống ở thành phố lớn với những chi phí sinh hoạt cao, cộng thêm áp lực tìm việc, cải thiện bản thân để tăng thu nhập,... tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một kế hoạch tài chính rõ ràng, cụ thể nếu không muốn tương lai bấp bênh. Vì thời buổi này, kiếm được việc để có thu nhập đã không đơn giản, duy trì được điều đó lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà "bỏ mặc" cha mẹ. Lòng biết ơn và mong muốn báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cũng là một phần không thể thiếu trong giá trị đạo đức của người Việt.

Để giải quyết vấn đề này, việc lập kế hoạch tài chính chi tiết là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ các nguồn thu nhập và chi tiêu hiện tại, sau đó phân bổ ngân sách một cách hợp lý cho các khoản thiết yếu, tiết kiệm, đầu tư và hỗ trợ gia đình. Sự minh bạch trong quản lý tài chính sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định sáng suốt.

Tiếp theo, hãy mở lòng trao đổi với cha mẹ về tình hình tài chính của bạn. Việc này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về khả năng của bạn, mà còn tạo cơ hội để cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp. Đôi khi, sự hỗ trợ tinh thần và thời gian quan tâm lại có giá trị hơn nhiều so với tiền bạc.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng dù có làm gì đi nữa, bản thân chúng ta vẫn phải sống ổn và sống vững vàng trước. Đây không phải là tư duy ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng mình, mà chính là biết nghĩ xa. Bởi nếu bạn không may thất nghiệp, không làm ra tiền, hoặc tệ hơn là ốm đau bệnh tật, mà lúc đó chẳng có 1 đồng phòng thân hay tiền tiết kiệm, thì ai sẽ phải là người đứng ra lo chi phí? Chắc chắn là cha mẹ. Thế nên tự lo được cho bản thân cũng là một cách để báo hiếu, để cha mẹ bớt lo.

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022