vong-xoay-tu-than-khien-may-bay-brazil-gap-nan-1723253041.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bKSYaFXvCi8xWuS5mb5O8A
'Vòng xoáy tử thần’ khiến máy bay Brazil gặp nạn

Máy bay ATR-72 rơi xuống đất. Video: New York Post

Video ghi lại vụ tai nạn hôm 9/8 cho thấy máy bay của hãng hàng không Voepass rơi từ không trung xuống, đâm xuống đất phía sau lùm cây gần nhà dân và bốc lên cột khói đen lớn, kéo theo cái chết của 61 hành khách, theo Mail. Phi công trưởng Ross Aimer, người có 40 năm kinh nghiệm lái máy bay phản lực chở khách ở Mỹ, cho biết máy bay gặp nạn có thể bị hỏng động cơ, trục trặc hệ thống điều khiển bay hoặc bị rơi mất cánh, một bộ phận cực quan trọng. Theo ông, sau khi máy bay rơi vào vòng xoáy tử thần, rất khó để thoát ra.

Chiếc máy bay chở khách bất ngờ rơi trên đường bay từ Cascavel tới Guarulhos. Aimer nhận định nguyên nhân khả thi nhất dẫn tới tai nạn là máy bay bị tròng trành ở tốc độ thấp, khi dòng khí thổi qua cánh máy bay quá chậm để cung cấp đủ lực nâng. Điều này diễn ra khi máy bay di chuyển quá chậm do lỗi kỹ thuật, nhiễu loạn mạnh, lỗi của phi công hoặc có vật thể như chim chóc đâm vào cánh. Ví dụ, chuyến bay 1549 của hãng US Airways rơi trên sông Hudson do một đàn chim đâm vào cánh máy bay khiến động cơ mất lực đẩy không lâu sau khi cất cánh, ở độ cao khoảng 213 m.

Máy bay ATR-72 rơi ở Vinhedo, Brazil, bay hành trình ở độ cao 518 m, theo hãng hàng không. Ở độ cao đó, nguyên nhân có thể không phải do va chạm với chim chóc. Sau khi máy bay bị tròng trành, nó bay theo vòng tròn, cuối cùng đâm xuống đất. Đây là kiểu rơi mang tên "vòng xoáy tử thần". Khi cánh bị tròng trành và chúi xuống, đồng thời không có lực đẩy do động cơ ngừng hoạt động, máy bay có thể bay theo vòng xoáy do một cánh tạo ra lực nâng trong lúc máy bay xoay tròn quanh cánh còn lại cho tới khi rơi xuống đất.

Đây không phải lần đầu tiên máy bay ATR gây ra tai nạn chết người. Năm 1994, một chiếc ATR-72 đâm xuống dãy núi Atlas khi đang tăng độ cao lên 4,876 m trong chuyến bay ở Morocco từ Agadir tới Casablanca. Phi công lái máy bay tự sát khiến tất cả hành khách tử vong. Gần đây hơn, một chiếc ATR-42 bị rơi năm 2017 sau khi bay trong điều kiện lạnh cóng và mất kiểm soát ở Canada, dẫn tới cái chết của một hành khách.

Dù tương đối an toàn, máy bay ATR-72 không được sử dụng phổ biến trong hàng không thương mại ở Mỹ. Hiện nay, Không quân Brazil đã cử một đội điều tra viên tới hiện trường máy bay rơi.

An Khang (Theo Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022