Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương đề cập khi làm việc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna, Cộng hòa Áo ngày 25/3. Ông cùng với Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy và đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ đang có chuyến công tác tại châu Âu, từ ngày 24 đến 28/3.

doan-cong-tac-bo-khcn-17430445-6408-8363-1743045103.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ClyTgIv2d5EmPGR9JdbMzw

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương và Đoàn công tác tại Cộng hòa Áo. Ảnh: HTQT

Tại buổi làm việc, ông Phương đánh giá cao những hỗ trợ của IAEA dành cho Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như kết nối Việt Nam với các sáng kiến quốc tế về năng lượng nguyên tử. Nhắc tới hai nội dung trọng điểm Việt Nam đang triển khai: dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) và kế hoạch tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Thứ trưởng Phương mong muốn được IAEA tiếp tục hỗ trợ.

Trong đó với dự án tái khởi động Dự án Điện hạt nhân, ông Phương đề nghị IAEA chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong công tác quy hoạch tổng thể, xây dựng lộ trình triển khai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lựa chọn đối tác công nghệ chiến lược. Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn sâu từ IAEA đối với một số nội dung then chốt. Trong số đó có thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập và hiệu quả; xây dựng quy trình cấp phép nhà máy điện hạt nhân phù hợp chuẩn mực quốc tế; tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân; Thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên; Ban hành các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại về hạt nhân.

Đại diện IAEA đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc khôi phục các chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về cả chuyên môn và kỹ thuật. IAEA sẽ bố trí nguồn lực để sớm góp ý cho Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) và phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam để chuẩn bị nội dung chi tiết cho các cuộc làm việc chính thức dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.

Đại diện IAEA cũng giới thiệu Trung tâm Đào tạo An ninh Hạt nhân và các mô hình đào tạo hiện hành, sẵn sàng cử chuyên gia đến hỗ trợ tại Việt Nam cũng như tiếp nhận cán bộ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu.

chu-nhiem-KHCNMT-1743044645-4507-1743045103.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4-n5NLXI-QwkONl2bRTzNw

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy tặng đại diện IAEA bức tranh tem Việt Nam. Ảnh: HTQT

Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia IAEA đã viện trợ cho Việt Nam mỗi năm trung bình khoảng 6-7 dự án với tổng kinh phí vào khoảng trên 1 triệu USD/chu kỳ 2 năm, góp phần xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các ngành, lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường... Giai đoạn 2018-2023, Việt Nam đã được IAEA trực tiếp hỗ trợ 17 dự án quốc gia với tổng kinh phí được chấp thuận gần 3 triệu Euro.

Thế Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022