
Người dân, nhân viên văn phòng di tản từ nơi làm việc ở tòa nhà Sonatus Building trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 sau khi xảy ra rung chấn đầu giờ chiều 28/3. Ảnh: Đình Văn
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện các Khoa học Trái Đất, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết động đất xảy ra ở Myanmar lúc 13h 20 phút 20 giây, ngày 28/3, độ sâu chấn tiêu 10 km.
Cục khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận độ lớn của tâm chấn động đất là 7,7 độ. Theo ông Xuân Anh, trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn km. Ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở nơi đó. Tuy nhiên hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận "cấp độ rủi ro thiên tai bằng không, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam", TS Xuân Anh cho biết. Với Hà Nội hay TP HCM thông thường ở những trận động đất ở xa sẽ tác động đến các công trình nhà cao tầng, cảm nhận được rung lắc.

Ông cho biết, trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Chính vì vậy, "sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh", TS Xuân Anh nói. Thông thường nhưng trận động đất lớn sẽ có những trận dư chấn. Tuy nhiên, trận động đất ở xa, nên ảnh hưởng của Việt Nam là rất nhỏ.
Trước đó TS Xuân Anh cho biết hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được.

Vì sao động đất khó dự đoán? Đồ họa:TED-Ed
Đến 15h (giờ Hà Nội), theo quan chức Myanmar, bệnh viện chính ở thủ đô Naypyidaw đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị thương. Còn ở Thái Lan Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok sau động đất.
Nhật Minh