VNE-Baltic-1738749510-8279-1738749748.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=715ZghQue_BLnPpC09ffPQ

Cấu trúc dị thường trong ảnh chụp của nhóm thám hiểm thuộc công ty OceanX. Ảnh: OceanX

Vật thể dị thường dưới đáy biển Baltic được phát hiện lần đầu tiên bởi đội nhân viên của OceanX, công ty thám hiểm biển sâu hàng đầu thế giới chuyên tìm kiếm kho báu thất lạc, xác tàu đắm trong lịch sử và vật thể bất thường dưới nước. Năm 2011, họ thực hiện một chuyến thám hiểm và thu được ảnh chụp bằng sóng âm kỳ lạ của cấu trúc dưới đáy biển tại độ sâu khoảng 91 m, theo IFL Science.

Vật thể lạ có bề ngang 61 m, cao 8 m, giống như một cây nấm khổng lồ. Có người cho rằng nó là một tàu ngầm của Nga hoặc tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh. Một số người cho rằng nó là thiết bị chống tàu ngầm của Đức Quốc xã, hoặc là một cỗ súng máy.

Khi nhóm nghiên cứu quay trở lại để tìm hiểu vật thể trong ảnh, họ gặp phải nhiễu loạn khác thường, mọi thiết bị điện, bao gồm điện thoại vệ tinh, ngừng hoạt động khi họ ở phía trên vật thể. Sau khi họ di chuyển ra xa cấu trúc bí ẩn khoảng 200 m, tất cả lại hoạt động trở lại. Trong một bài báo năm 2014, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành OceanX là Dennis Åsberg chia sẻ: "Tôi tin chắc 100% rằng chúng tôi đã tìm thấy thứ gì đó rất đặc biệt".

Câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết khá gần gũi cho vật thể mà đội ngũ Ocean X trông thấy trong ảnh chụp sóng âm. Mẫu vật thu thập từ khu vực và từ phó giáo sư địa chất Volker Brüchert ở Đại học Stockholm hé lộ đó là đá granite, gneis và sa thạch, những loại đá nằm ở bồn địa sông băng như biển Baltic.

Phần lớn biển Baltic được tạo thành từ sự dịch chuyển của các dòng sông băng trong thời kỳ Băng Hà. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học từ Đại học Stockholm đứng đầu là Brüchert cho thấy Vật thể dị thường dưới đáy biển Baltic là những gì còn lại từ quá trình này.

"Vì toàn bộ vùng Baltic phía bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình tan băng, cả các đặc trưng và mẫu đá có thể liên quan đến quá trình thời đại băng hà và hậu băng hà. Có lẽ những tảng đá này được sông băng dịch chuyển tới đó", Brüchert giải thích. Nhà địa chất Thụy Điển Fredrik Klingberg và Martin Jakobsson cũng cho rằng thành phần hóa học của các mẫu đá được cung cấp tương tự nốt sần kim loại phổ biến ở đáy đại dương.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022