VNE-Rocket-2164-1720843543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vnkLsBzZf1dHTexYrOYODQ

Tên lửa Falcon 9 bị trục trặc ở tầng thứ hai. Ảnh: SpaceX

Tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg ở California vào khoảng 22h30 ngày 11/7 theo giờ địa phương. Phương tiện chở 20 vệ tinh cho mạng lưới Starlink của SpaceX. Mạng Internet này đang hoạt động với hơn 6.000 vệ tinh được triển khai qua hàng chục lần phóng, theo nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell. Sự cố buộc nhà chức trách liên bang phải dừng bay tên lửa. Tai nạn cũng đánh dấu lần đầu tiên tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng thất bại trong gần một thập kỷ, theo CNN.

Phần lớn chuyến bay diễn ra thuận lợi mà không gặp bất kỳ vấn đề nào, nhưng chuyến bay gần nhất thì khác. Chặng đầu tiên của nhiệm vụ có vẻ tiến hành trôi chảy, trong đó Falcon 9 sử dụng động cơ đẩy ở tầng đầu tiên để phóng vào không gian. Đó là tầng dưới cùng của tên lửa với 9 động cơ, cung cấp năng lượng ban đầu khi cất cánh. Tầng này tách ra sau đó và hạ cánh an toàn ở sà lan trên biển, nhờ đó SpaceX có thể tân trang và sử dụng lại.

Nhưng tầng thứ hai của tên lửa được thiết kế để khai hỏa sau khi tầng đầu tiên rơi ra và cung cấp sức mạnh để vệ tinh tới điểm đến cuối cùng trên quỹ đạo, bị trục trặc đột ngột. Nguyên nhân chưa được làm rõ. Theo chia sẻ cuối ngày 12/7 của SpaceX, tầng trên của tên lửa trải qua sự cố "rò rỉ oxy lỏng". Oxy lỏng (LOX) được dùng như chất oxy hóa cho nhiên liệu trên Falcon 9. Theo Elon Musk, giám đốc điều hành SpaceX, tầng thứ hai không chỉ bị trục trặc mà còn phát nổ.

Dù tên lửa đã triển khai tất cả vệ tinh mang theo, chúng nằm ở quỹ đạo không ổn định, có thể kéo chúng xuống gần mặt đất hơn dự kiến, khiến thiết bị chịu ảnh hưởng từ lực hấp dẫn mạnh của Trái Đất. Trong số 20 vệ tinh Starlink phóng trên tên lửa Falcon 9, 13 có khả năng rơi trực tiếp. SpaceX đã liên lạc với 10 vệ tinh và tìm cách nâng quỹ đạo của chúng lên cao hơn nhưng khả năng tồn tại của các vệ tinh rất thấp.

Vệ tinh Starlink của SpaceX được thiết kế để vỡ thành nhiều mảnh khi rơi trở lại khí quyển, do đó không gây nguy hiểm cho người dân trên mặt đất. Tuy nhiên, một số sự việc gần đây cho thấy rác vũ trụ có thể vượt qua quá trình hồi quyển. Theo McDowell, một số vệ tinh Starlink có thể đã rơi trở lại khí quyển.

Tai nạn dấy lên câu hỏi tên lửa Falcon 9 sẽ ngừng hoạt động bao lâu trong thời điểm quan trọng đối với SpaceX và ngành công nghiệp vũ trụ của Mỹ. Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đóng vai trò chủ chốt trong chương trình bay vũ trụ của NASA, chuyên chở phi hành gia trong những chuyến bay định kỳ lên quỹ đạo. Falcon 9 cũng nằm trong lịch trình thực hiện nhiệm vụ chở hàng tiếp theo lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), cung cấp vật tư cho phi hành đoàn Starliner và các phi hành gia khác làm việc trên trạm.

Lần gần nhất tên lửa Falcon 9 bị trục trặc trong chuyến bay là tháng 6/2015 khi chở hàng lên trạm ISS. Tên lửa bị dừng bay khoảng 6 tháng sau sự cố và bay trở lại vào tháng 12/2015. Một vấn đề khác xảy ra vào tháng 9/2016 khi tên lửa Falcon 9 chở một vệ tinh phát nổ ngay trên bệ phóng. Falcon 9 ngừng bay thêm 4,5 tháng sau tai nạn đó. Tổng cộng, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã thực hiện hơn 350 nhiệm vụ.

Cục quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm 12/7 thông báo họ đang yêu cầu điều tra tai nạn, dù không có báo cáo nào về người bị thương hoặc thiệt hại về tài sản. FAA sẽ thông báo biện pháp khắc phục cho SpaceX và quyết định khi nào tên lửa Falcon 9 có thể quay trở lại bệ phóng.

An Khang (Theo CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022