VNE-Dive-6886-1723433849.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RpgmZERiAbfMcXyCLCW6DQ

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc có khả năng lặn sâu 7.000 m. Ảnh: CGTN

Nhiệm vụ thám hiểm kéo dài 45 ngày ra khơi hôm 10/8 hướng tới khám phá dãy núi dưới biển, nằm trong số những nơi ít được khảo sát nhất trên Trái Đất, theo Interesting Engineering. Đội chuyên gia quốc tế gồm 60 người trên Shenhai Yihao, tàu mẹ của tàu lặn Giao Long, bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong cũng như 8 nhà khoa học đến từ Australia, Tây Ban Nha, Canada, Mexico, Singapore, Bangladesh, Nigeria và Colombia. Trưởng nhóm là Qiu Jianwen, giáo sư kiêm phó trưởng khoa sinh vật học ở Đại học Hong Kong Baptist. Shenhai Yihao và Giao Long sẽ tạm dừng ở Hong Kong từ ngày 23 đến 25/9 trong hành trình trở về.

Các nhà nghiên cứu quốc tế sẽ xem xét kỹ dãy núi Magellan đồ sộ trên tàu Giao Long. Nhiệm vụ sẽ gồm 18 chuyến lặn. Cụm núi dưới biển trải dài về phía đông từ rãnh Mariana, nơi sâu nhất dưới đại dương. Vị trí của nhiệm vụ nằm ở vùng biển giữa Nhật Bản và đảo New Guinea, được chọn do đặc điểm địa chất độc đáo, có thể giúp các nhà khoa học tăng cường hiểu biết về đa dạng sinh học, địa hình học, đảo núi lửa, tài nguyên khoáng sản, tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người.

"Ngoài Giao Long, dụng cụ lấy mẫu vật, tàu đổ bộ và nhiều thiết bị khác cũng được triển khai để tìm hiểu sinh vật học và môi trường ở núi dưới biển", Xu Xuewei, nhà khoa học phụ trách nhiệm vụ kiêm phó giám đốc Trung tâm biển sâu quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc, cho biết.

Trung Quốc đang trong cuộc đua phát triển khả năng thám hiểm hải dương với phương Tây. Năm 2020, tàu lặn Striver được thiết kế để lặn sâu hơn 10.900 m của họ tới điểm sâu nhất từng biết ở rãnh Mariana. Chuyến thám hiểm núi dưới biển này nằm trong chương trình nghiên cứu và bảo tồn Ocean Decade của Liên Hợp Quốc. Theo Xinhua, tàu Giao Long hoạt động tốt trong việc lấy mẫu vật và ít tác động tới môi trường. Tàu sẽ được sử dụng để thu thập tổ chức sinh vật dưới biển sâu, nước biển, trầm tích, san hô và vi sinh vật. Trước đó, tháng 4/2018, Trung Quốc từng cử một đội tới dãy núi Magellan để lấy mẫu đá và sinh vật biển bằng robot biển sâu.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022