VNE-Fire-1736571147-6962-1736571215.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DvZLuUxIsB_QObMKfGLkDg

Một trụ cứu hỏa bén lửa trong đám cháy Eaton ở Los Angeles hôm 8/1. Ảnh: AFP

Trong khi nhiều ngọn lửa bùng lên khắp Los Angeles, California hôm 7/1, sự chú ý nhanh chóng chuyển sang một yếu tố khác là nước. Trong vòng 7 giờ sau khi đám cháy Palisades xuất hiện ở bờ tây đất nước, Janisse Quiñones, giám đốc điều hành Sở điện và nước Los Angeles, cho biết một trong số 3 bể chứa hàng triệu lít nước để đổ vào các trụ cứu hỏa trong khu dân cư đã cạn. Bể tiếp theo hết nước vào đêm cùng ngày và bể cuối cùng trống rỗng vào sáng sớm hôm 8/1.

Khi Mặt Trời mọc giữa màn khói, thông tin về những trụ cứu hỏa bị vỡ và cạn nước bên ngoài nhà cửa bốc cháy lan tràn khắp mạng xã hội, dấy lên nhiều giả thuyết về sự cố. Nhưng giới chuyên gia cho biết trục trặc này không bắt nguồn từ một vấn đề. Thay vào đó, đây là kết quả có thể dự liệu trước từ một hệ thống chưa bao giờ sẵn sàng cho đám cháy do biến đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay ở khu đô thị.

Trong thập kỷ qua, California trải qua điều kiện hạn hán chưa từng có dẫn tới quy định hạn chế nước. Dù hai mùa đông mưa nhiều giúp tình hình dịu đi ở Nam California, năm 2025 hứa hẹn là một năm khô hạn kỷ lục. Nhà khoa học khí hậu Daniel Swain ví sự biến động giữa mưa và hạn hán cực hạn là "biến động thủy khí hậu". Theo nghiên cứu của ông, hiện tượng này đang ngày càng trầm trọng do ấm lên toàn cầu.

Chu kỳ mưa biến động tạo ra điều kiện đặc biệt nguy hiểm cho những đám cháy nhưng nó giúp các nguồn dự trữ nước thu nhỏ dần trước đây ở California đầy lên trong vài tháng gần đây. Dù hạn hán là vấn đề dai dẳng ở Nam California, đây không phải là nguyên nhân thiếu nước của thành phố Los Angeles. Đó cũng không phải là lỗi của cá smelt nguy cấp, loài cá nhỏ được bảo vệ thường gắn liền với quy định hạn chế sử dụng nước trong môi trường sống của chúng ở châu thổ sông Sacramento - San Joaquin.

Thay vào đó, Quiñones giải thích đây là vấn đề tiếp cận. Trong khoảng 15 giờ từ khi đám cháy Palisades bùng lên và các bể nước có sẵn cạn kiệt, nhu cầu sử dụng nước tăng gấp 4 lần thông thường, khiến áp lực nước hạ thấp, dẫn tới khó đạt đủ lực cần thiết để đẩy nước lên bể chứa trên cao, đặc biệt ở tốc độ thích hợp để xử lý đám cháy lan rộng bằng 5 sân bóng đá mỗi phút, được thúc đẩy bởi gió Santa Ana. "Chúng tôi đã dồn hệ thống tới cực hạn. Chúng tôi đối phó với một đám cháy rừng bằng hệ thống nước đô thị. Đó thực sự là thách thức lớn", Quiñones chia sẻ.

Theo Faith Kearns, chuyên gia về cháy rừng và nước ở Đại học Arizona, hiểu rõ tác động của cháy rừng tới hệ thống nước là lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, đặc biệt ở khu vực đô thị như Los Angeles. Kearns là đồng tác giả bản tóm tắt năm 2021 về vấn đề này, tập trung vào California và lấy cảm hứng từ sự kiện như đám cháy Tubbs năm 2017 lan tới thành phố Santa Rosa.

Trong khi vấn đề nhu cầu dùng nước tăng vọt mà Quiñones đề cập là một mặt của sự cố, Kearns cho rằng nhiều vấn đề góp phần vào tình trạng thiếu nước ở thời gian và địa điểm cần sử dụng nước. Thiếu trụ cứu hỏa trở thành vấn đề nghiêm trọng do gió mạnh đến mức ngăn máy bay trực thăng bay lơ lửng trên cao và phun nước xuống. Thách thức tương tự từng cản trở lính cứu hỏa xử lý đám cháy rừng ở Lahaina, Maui năm 2023. Đám cháy cũng có thể gây mất điện hoặc phá hủy đường ống nước và cơ sở hạ tầng khác, tạo ra thêm vấn đề.

Đám cháy Palisades đặc biệt khó kiểm soát đối với lính cứu hỏa, là đám cháy gây thiệt hại lớn nhất tại quận Los Angeles. Tiếp cận nguồn nước không chỉ là vấn đề trong quá trình cứu hỏa mà cả ở giai đoạn phục hồi. Nhiều khu vực ở Los Angeles được khuyến cáo lưu trữ nước sôi do lo ngại nguồn cung cấp bị ô nhiễm trong thời gian áp suất thấp, có thể tạo điều kiện cho tro bụi ngấm vào hệ thống. Sau khi đám cháy tắt rụi, đường ống và máy bơm cần được đánh giá thiệt hại.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022