Hình ảnh mẫu chuẩn của loài Calybium plicatus. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Loài ốc mới được đặt tên khoa học là Calybium plicatus Hoang et al., 2025, dựa trên đặc điểm có các gờ xuất hiện trên cạnh đỉnh trong miệng vỏ (theo tiếng Latin: plicatus nghĩa là gờ, nếp gấp). Mẫu vật đã được phát hiện tại vị trí Hố Sụt 1 của hang động Sơn Đoòng, thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bảng, tỉnh Quảng Bình.
Đây là loài thứ hai thuộc giống (chi) ốc cạn Calybium Morlet, 1892 (Gastropoda: Helicinidae) được phát hiện trên thế giới và là lần đầu tiên ghi nhận cho khu hệ động vật Việt Nam.
Phát hiện khẳng định Việt Nam là quốc gia có tính đa dang sinh học cao trên thế giới, đặc biệt là ở hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi và hang động.
TS Đỗ Đức Sáng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang phân tích mẫu vật ốc. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng do nhóm nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện từ năm 2022 đến 2024. Loài mới đã được công bố trên tạp chí Ruthenica, Russian Malacological Journal hôm 2/1. Nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên cho loài mới này là "Ốc nón Sơn Đoòng".
Hoài Phương