VNE-Ice-4457-1722935071.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sQKx7urw7Zux8BcfBcqlyQ

Đài quan sát Trái Đất của NASA chụp ảnh núi băng trôi A23a vào ngày 28/11/2023. Ảnh: NASA

Núi băng trôi mang tên A23a có diện tích khoảng 4.248 km2, lớn hơn một chút so với bang Rhode Island và lớn gấp 5 lần thành phố New York. A23a tách khỏi thềm băng Filchner - Ronne của Nam Cực năm 1986 nhưng mắc kẹt ở biển Weddell sau khi chèn lên đáy biển, cuối cùng trôi xa khỏi lục địa băng vào năm 2020, theo Newsweek.

Hiện nay, thay vì tiến vào vùng biển ấm hơn ở Nam Đại Tây Dương thông qua hải lưu vòng Nam Cực, núi băng trôi bị mắc kẹt trong dòng hải lưu xoay tròn gọi là Taylor Column. Núi băng trôi đang nằm ở phía bắc quần đảo Nam Orkney không người ở, xoay ngược chiều kim đồng hồ khoảng 15 độ một ngày. Do đó, thay vì chậm rãi tan chảy như dự kiến, núi băng trôi khổng lồ có thể tồn tại cho tới khi rời khỏi xoáy nước Taylor Column. "A23a là núi băng trôi từ chối chết", chuyên gia vùng cực kiêm giáo sư ở Đại học Mở Mark Brandon, nhận xét.

Xoáy nước Taylor Column xảy ra khi một chất lỏng như nước đại dương, chảy qua một vật thể chìm theo hệ thống xoay tròn giống Trái Đất. Trong trường hợp này, xoáy nước là kết quả từ nơi gồ lên ở đáy biển gọi là Pirie Bank. Chướng ngại vật kiểu này khiến dòng hải lưu tách đôi, tạo ra xoáy nước xoay tròn phía trên vật đó. Núi băng trôi bị mắc kẹt trong xoáy nước này, liên tục xoay tròn.

Theo Mike Meredith, giáo sư ở Cơ quan khảo sát Nam Cực Anh, Taylor Column có thể hình thành cả trong không khí. Nó có thể chỉ rộng vài cm trong bể ở phòng thí nghiệm hoặc có kích thước khổng lồ như trong trường hợp này, cuốn theo cả núi băng trôi.

Hiện nay, A23a đã tránh thoát số phận tất yếu của những núi băng trôi tách khỏi Nam Cực là tan chảy. Nam Cực có lượng băng biển mùa đông thấp nhất vào năm ngoái, thấp hơn mức trung bình gần 1,8 triệu km2. Nam Cực đang mất băng ở tốc độ ngày càng nhanh. Tốc độ băng biển biến mất tăng gấp 6 lần trong 30 năm trước năm 2020. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature năm 2018, Nam Cực mất khoảng 3.000 tỷ tấn băng từ năm 1992 đến năm 2017. Tốc độ mất băng tăng từ 76 tỷ tấn/năm trước năm 2012 đến 219 tỷ tấn/năm những năm gần đây.

Sự tan chảy của băng Nam Cực góp phần đáng kể vào mực nước biển tăng trên toàn cầu, ước tính hiện nay cho thấy chỉ riêng tình trạng mất băng ở Nam Cực chịu trách nhiệm khiến mực nước biển toàn cầu tăng 0,4 milimet/năm. Nếu dải băng Tây Nam Cực sụp đổ hoàn toàn, mực nước biển sẽ tăng vài mét, ảnh hưởng tới các cộng đồng dân cư ven biển trên khắp thế giới.

An Khang (Theo Newsweek)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022