Tàu gỗ Columbus, hạ thủy năm 1824 để đi từ Canada đến Anh. Ảnh: Library and Archives Canada
Trước Cách mạng Công nghiệp, ngành đóng tàu của Anh hoàn toàn dựa vào các quốc gia xung quanh biển Baltic trong việc nhập khẩu gỗ và vật liệu khác như cột buồm, nhựa đường, hắc ín. Sự phụ thuộc này không chỉ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Anh mà còn làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại của Anh với khu vực Baltic. Chỉ một tỷ lệ nhỏ nhu cầu gỗ của Anh được các thuộc địa châu Mỹ đáp ứng do khoảng cách xa xôi khiến việc nhập khẩu gỗ từ bên kia Đại Tây Dương không hiệu quả về kinh tế.
Đầu thế kỷ 18, chính phủ Anh đưa ra một số sáng kiến nhằm khuyến khích sử dụng gỗ thuộc địa thay vì gỗ từ vùng Baltic, bao gồm trợ cấp cho các nhà sản xuất Bắc Mỹ và quy định cấm xuất khẩu gỗ thuộc địa sang bất kỳ nơi nào khác ngoài Anh. Tuy nhiên, những chính sách này ít ảnh hưởng đến việc nhập khẩu. Gỗ vùng Baltic tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường Anh, được cả hải quân lẫn tàu thương mại sử dụng, vì gỗ châu Mỹ vẫn đắt gấp ba lần so với gỗ Baltic.
Trong những cuộc chiến của Napoléon, thành công quân sự của Pháp và việc phong tỏa Baltic gây lo ngại về khả năng Baltic tiếp tục cung cấp gỗ. Anh một lần nữa hướng tới thuộc địa châu Mỹ cũ. Thông qua hàng loạt đạo luật vào năm 1809 và 1810, Anh khiến gỗ Baltic ngày càng đắt đỏ bằng cách áp mức thuế ngày càng tăng với gỗ nhập khẩu, trong khi gỗ thuộc địa chỉ phải trả một khoản phí tượng trưng. Hệ thống thuế giúp hoạt động thương mại gỗ châu Mỹ phát triển nhanh. Đến cuối năm 1809, lượng gỗ châu Mỹ nhập khẩu vào Anh tăng hơn gấp ba lần so với hai năm trước đó. Năm 1812, gỗ châu Mỹ chiếm hơn 60% tổng lượng gỗ nhập khẩu của Anh.
Tuy nhiên, hệ thống thuế có lợi này chỉ là một biện pháp thời chiến. Sau khi hòa bình trở lại châu Âu, tranh luận xảy ra xung quanh việc hệ thống có nên tiếp tục hay không. Năm 1821, thuế với gỗ châu Âu giảm và lần đầu tiên, gỗ châu Mỹ bị áp thuế. Hệ thống mới vẫn để lại cho các nhà sản xuất Mỹ lợi thế áp đảo và nhập khẩu gỗ vẫn tăng. Giá gỗ tăng, tiền lương cải thiện và mọi người đổ xô vào ngành gỗ.
Giữa lúc này, hai nhà đóng tàu ở Glasgow, Scotland, là Charles và John Wood nghĩ ra giải pháp giúp nhập khẩu một lượng lớn gỗ với lợi nhuận cao. Kế hoạch là đóng một con tàu khổng lồ, lớn hơn nhiều lần so với tàu lớn nhất đang hoạt động thời đó, chất đầy gỗ và vượt Đại Tây Dương. Khi đến nơi, lượng hàng khổng lồ được dỡ xuống, con tàu cũng bị tháo dỡ và gỗ của nó được đem bán. Bằng cách này, người nhập khẩu có thể thu lợi nhuận lớn, trước tiên từ việc bán lượng hàng lớn, sau đó là tránh được thuế với gỗ đóng tàu.
Tàu Columbus trong hành trình vượt Đại Tây Dương năm 1824. Ảnh: Harwood Joshiah/S. Vowles
Năm 1824, Charles Wood đến Quebec, Canada, để giám sát quá trình đóng con tàu "dùng một lần" đầu tiên, Columbus. Về kích thước, nó rất lớn - dài 91 m, rộng 15 m, cao 7 m. Nó nặng tới 3.690 tấn, gấp 10 lần trọng tải trung bình của tàu buôn gỗ.
Columbus được đóng theo cách rẻ nhất có thể. Thân tàu làm từ những mảnh gỗ vuông thô dày, không trét kín ở các đoạn nối để có thể dễ dàng tháo rời mà không làm hỏng gỗ. Đáy tàu rộng hơn boong, và con tàu trông rất cồng kềnh, thô kệch.
Hành trình Columbus vượt Đại Tây Dương không hề suôn sẻ, đúng như dự đoán với một con tàu không dành cho mục đích đi biển lâu dài. Vì các đoạn nối không trét kín, con tàu bị rò rỉ hàng trăm chỗ ngay khi hạ thủy. Thủy thủ đoàn làm việc suốt ngày đêm trong 7 tuần để bơm nước ra khỏi khoang. Khi đến eo biển Manche, con tàu đã có khoảng 3,5 m nước trong khoang.
Columbus tiến vào cảng London với nhiều sự chú ý. Nó chở 6.300 tấn gỗ, cộng thêm 3.690 tấn gỗ đóng tàu. Chỉ trong một chuyến đi biển, Columbus đã mang hơn 10.000 tấn gỗ trị giá 50.000 bảng Anh qua Đại Tây Dương. Thương vụ này là một thành công lớn về mặt thương mại. Nhưng thời điểm đó, lòng tham làm thay đổi kế hoạch tháo dỡ tàu và chủ sở hữu của Columbus đưa nó trở về để vận chuyển một chuyến hàng khác. Ba tuần sau khi hành trình trở về bắt đầu, Columbus gặp một cơn bão mạnh, bị vỡ và chìm.
Baron of Renfrew, tàu gỗ hạ thủy vào năm 1825 để đi từ Canada đến Anh. Ảnh: Library and Archives Canada
Trong khi đó, con tàu thứ hai mang tên Baron of Renfrew được đóng tại Quebec. Nó dài tương đương với Columbus, nhưng rộng và sâu hơn, nặng không dưới 5.880 tấn. Tổng trọng lượng của nó khi hạ thủy là hơn 15.000 tấn, bao gồm cả hàng hóa. Sau hành trình nguy hiểm vượt Đại Tây Dương, con tàu mắc cạn tại Goodwin Sands gần Long Sound Head, eo biển Manche. Khi chắc chắn không thể cứu vãn, thủy thủ đoàn đã bỏ tàu. Sau đó, Baron of Renfrew bị vỡ, gỗ của nó trôi dạt vào bờ biển Pháp và khu vực Flemish.
Chủ sở hữu của cả Columbus và Baron of Renfrew chịu tổn thất tài chính nặng nề, nhưng từ góc độ kỹ thuật, thương vụ này là một thành công vì cả hai tàu đều thực hiện thành công chuyến đi vượt Đại Tây Dương. Columbus bị đắm vì kế hoạch ban đầu không được tuân thủ và nó phải thực hiện chuyến đi thứ hai thay vì được tháo dỡ. Baron of Renfrew gặp sự cố không phải do kết cấu mà vì sự thiếu kinh nghiệm của thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, việc tổn thất cả hai tàu đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ ngắn ngủi của những con tàu "dùng một lần".
Thu Thảo (Theo Amusing Planet)