Đây là một trong những điểm mới được quy định tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo. Theo đó sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh toàn bộ nhân lực hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có chính sách phù hợp với từng đối tượng.
Cụ thể, nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ bao gồm học viên thạc sĩ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ; cá nhân quản lý lĩnh vực này trong các cơ quan nhà nước; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ độc lập hoặc trong các tổ chức khác.
Các kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Trần Quỳnh
Cơ quan soạn thảo cũng xây dựng cơ chế quản lý, ưu đãi, hỗ trợ tương ứng với các lực lượng nêu trên. Những người hoạt động lĩnh vực này ở cơ quan công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Lực lượng này định kỳ được cử sang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong một thời gian nhất định để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực, nắm bắt nhu cầu công nghệ. Trong thời gian làm việc ở các tổ chức này họ vẫn được giữ nguyên chế độ lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thi đua khen thưởng tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đây là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tính đến năm 2021, cả nước có 187.298 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, tập trung nhiều ở các tổ chức giáo dục đại học (toàn bộ giảng viên đại học), chiếm 51,99%, các tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm 17,85%. Nhân lực làm nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp chiếm 15,28%. Trong đó, số lượng nghiên cứu viên chiếm 83,63% (khoảng 156.588 người), nhân lực kỹ thuật dưới 7% (khoảng 12.424 người) và nhân lực hỗ trợ dưới 10% (18.286 người).
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, số lượng nhân lực nghiên cứu và phát triển còn ít so với thế giới (7 người/1 vạn dân), tập trung vào viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Nhân lực nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp hạn hẹp. Các quy định về ưu đãi nhân lực trong lĩnh vực này chưa thuận lợi để thực thi trong thực tiễn, chưa thực sự khuyến khích cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa.
Chính vì thế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật cho biết mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi Luật lần này là "xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều; trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013. Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bảo Chi