VNE-Racer-4796-1721818002.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OD9TLELQJW2cq0gqQo00Pw

Máy bay thử nghiệm Racer. Ảnh: Airbus

Phát triển theo dự án European Research Clean Sky 2, Racer vượt qua mục tiêu tốc độ đặt ra là 400 km/h ở cấu hình ban đầu, theo thông báo hôm 23/7 của Airbus. Racer đạt thành tích này hôm 21/6, sau 7 lần bay và khoảng 9 giờ bay thử nghiệm. Đây là thành quả làm việc của 40 đối tác tại 13 nước châu Âu.

"Ngoài hiệu suất, đặc điểm khí động và độ ổn định của mẫu máy bay rất hứa hẹn. Chúng tôi đang mong chờ tới giai đoạn bay thử nghiệm tiếp theo, đặc biệt là chế độ Eco cho phép tắt một động cơ khi bay về phía trước, qua đó giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2", Bruno Even, giám đốc điều hành Airbus Helicopters, chia sẻ.

Đội bay thử nghiệm bao gồm Hervé Jammayrac, phi công lái chính, cùng Dominique Fournier và Christophe Skorlic, kỹ sư bay thử nghiệm. Giai đoạn bay thử nghiệm tiếp theo sẽ tập trung vào hoạt động với một động cơ và xác định tầm bay.

Được tối ưu hóa cho tốc độ hành trình hơn 400 km/h, Racer hướng tới đạt sự cân bằng tốt nhất giữa tốc độ, tiết kiệm chi phí và hiệu suất. Racer cũng nhắm đến giảm mức tiêu thụ nhiên liệu khoảng 20% so với thế hệ trực thăng hiện nay ở cùng hạng mục trọng lượng cất cánh nhờ hoàn thiện khí động và hệ thống đẩy tân tiến ở chế độ Eco. Phát triển bởi Safran Helicopter Engines, hệ thống này cho phép một trong hai động cơ Aneto-1X dừng lại khi bay hành trình.

Racer có đặc điểm khí động đặc biệt ở thân máy bay, góp phần đem đến tốc độ cao và tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, phương tiện trang bị rotor tạo ra lực nâng thẳng đứng, giúp cất hạ cánh không cần đường băng dài như trực thăng nhưng có thể bay ở tốc độ cao như máy bay.

Quá trình phát triển nguyên mẫu của máy bay Racer được thông báo lần đầu tiên năm 2017. Racer ra đời dựa trên thành tựu và kinh nghiệm từ mẫu thử nghiệm X3 của Airbus, giới thiệu năm 2010.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022