VNE-Mask-9671-1731386145.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CRFBf1xNSsVwzltK_PbRtg

Mặt nạ người chết bằng vàng trong mộ vua Tutankhamun. Ảnh: Hannes Magerstaedt

Mặt nạ người chết bằng vàng nổi tiếng của vua Tutankhamun nhiều khả năng không phải dành cho ông, theo nhóm nghiên cứu ở Đại học York. Khi kiểm tra lại chiếc mặt nạ, các chuyên gia phát hiện một số yếu tố khác thường chứng tỏ ban đầu món đồ được làm cho một người phụ nữ hoặc trẻ em có địa vị cao. Giả thuyết này bắt nguồn từ chi tiết lỗ tai, All that is interesting hôm 11/11 đưa tin.

Sau khi mộ của vua Tutankhamun được phát hiện năm 1922 bởi nhà khảo cổ Howard Carter, vị vua trẻ này có lẽ là nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Giới nghiên cứu liên tục kiểm tra ngôi mộ, xác ướp và mặt nạ của ông. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chú ý tới chi tiết bị bỏ sót là lỗ ở tai của chiếc mặt nạ. Lỗ tai là chi tiết bất thường đối với một vị vua trưởng thành ở Ai Cập cổ đại. Chi tiết kỳ lạ này thôi thúc các nhà nghiên cứu ở trường đại học tìm hiểu kỹ hơn.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu là giáo sư Joann Fletcher, chuyên gia về lịch sử Ai Cập cổ đại, chiếc mặt nạ không phải làm cho vị pharaoh trưởng thành. Nhóm của ông phát hiện nó được làm từ loại vàng hoàn toàn khác so với quan tài. Họ cũng tìm thấy bằng chứng gương mặt của vua Tutankhamun được ghép vào mặt nạ của người trị vì trước đấy. Do có lỗ tai, người này có thể là phụ nữ. Fletcher suy đoán đó là nữ hoàng Nefertiti.

Giả thuyết tương tự từng được nêu ra trước đây. Năm 2015, nhà Ai Cập học người Anh Nicholas Reeves cho rằng mặt nạ của vua Tutankhamun ban đầu được làm cho Nefertiti do có hình dáng nữ tính và đặc điểm tương tự bức tượng bán thân của bà. Theo ông, mặt nạ của Nefertiti được tái sử dụng do nhu cầu cấp thiết khi mai táng vua Tutankhamun. Vị vua trẻ lên ngôi năm 9 tuổi và qua đời bất ngờ chỉ một thập kỷ sau đó, vì vậy có quá ít thời gian để chuẩn bị một chiếc mặt nạ người chết dành riêng cho ông.

Nữ hoàng Nefertiti nổi tiếng với vẻ ngoài xinh đẹp, là vợ của pharaoh Akhenaten vào thế kỷ 14 trước Công nguyên. Bà đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng tôn giáo khiến Ai Cập chuyển sang thờ thần mặt trời Aten. Số phận của bà sau khi Akhenaten qua đời vẫn là điều bí ẩn, một số giả thuyết cho rằng bà có thể trị vì dưới tên pharaoh Neferneferuaten.

Tutankhamun lên ngôi vào khoảng năm 1322 trước Công nguyên. Ông trị vì trong thời gian ngắn ngủi, mất năm 1323 trước Công nguyên. Dù vậy, ngôi mộ gần như nguyên vẹn của ông được tìm thấy năm 1922 bởi nhà Ai Cập học Howard Carter.

An Khang (Theo All that is interesting)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022