VNE-Rare-1738726962-6255-1738727044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_Ga4_od1ydOkRA-dt6vLVw

Ukraine sở hữu nhiều mạch khoáng sản. Ảnh: AFP

Đất hiếm là nhóm 17 kim loại nặng dồi dào trong vỏ Trái Đất trên toàn cầu như dysprosium, neodymium và cerium. Trong một đánh giá năm 2024, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính có 110 triệu tấn quặng trên thế giới, bao gồm 44 triệu ở Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay. Ước tính có 22 triệu tấn đất hiếm khác ở Brazil, 21 triệu tấn ở Việt Nam, 10 triệu tấn ở Nga và 7 triệu tấn ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, khai thác đất hiếm đòi hỏi sử dụng nhiều hóa chất, dẫn tới lượng chất thải độc hại khổng lồ và gây ra một số thảm họa môi trường, khiến nhiều nước e ngại về gánh nặng chi phí sản xuất. Ngoài ra, cần phải xử lý lượng đá lớn để tạo ra sản phẩm tinh luyện ở dạng bột.

Mỗi loại đất hiếm trong nhóm được sử dụng trong công nghiệp và có thể tìm thấy trong hàng loạt thiết bị hàng ngày và đồ công nghệ cao, từ bóng đèn tới tên lửa dẫn đường. Ví dụ, europium rất cần thiết để sản xuất màn hình TV, cerium được dùng trong đánh bóng kính và tinh luyện dầu, lanthanum giúp bộ lọc khí thải trên xe hơi hoạt động. Mọi loại đất hiếm đều có những đặc điểm độc đáo hầu như không thể thay thế hoặc chỉ có thể thay thế với giá rất đắt. Chẳng hạn, neodymium and dysprosium cho phép chế tạo nam châm siêu mạnh gần như vĩnh cửu đòi hỏi bảo dưỡng ít, giúp lắp đặt turbine gió sản xuất điện ngoài khơi.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh sản xuất nhiều đất hiếm nhất thông qua đầu tư mạnh vào hoạt động tinh luyện. Trung Quốc cũng sở hữu số bằng sáng chế khổng lồ về sản xuất đất hiếm, một trở ngại đối với các công ty ở nước khác muốn xử lý nguyên liệu ở quy mô lớn. Kết quả là nhiều công ty nhận thấy vận chuyển quặng tới Trung Quốc để tinh luyện có chi phí rẻ hơn, gia tăng sự phụ thuộc vào nước này.

Phần lớn nguồn cung cấp đất hiếm của Mỹ và Liên minh châu Âu đến từ Trung Quốc, nhưng cả hai đang cố gắng tăng cường tự sản xuất và tái chế nhiều hơn nhằm giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Tương tự, sau khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm vào năm 2010, Nhật Bản cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp, ký thỏa thuận với tập đoàn Lynas của Australia và tăng cường khả năng tái chế.

An Khang (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022