VNE-Eye-7651-1720862582.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yxxdqHIV3XdWr0SAiNjCTw

Mắt Rồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Flickr

Mắt Rồng là một hốc rỗng tự nhiên trong đá dọc đường ven biển phía tây bắc Na Uy, trông giống như tròng mắt của loài bò sát. Một tảng đá cuội nằm ở đáy hốc rỗng nổi bật giữa nền cát trắng và tảo, tạo thành con ngươi trong mắt, theo Live Science.

Mắt Rồng là đặc trưng nhiều khả năng hình thành bên dưới dải băng Fennoscandia lớn, có thể vào kỷ băng hà cuối cùng, theo Francis Chantel Nixon, phó giáo sư địa vật lý và địa chất học kỷ Đệ Tứ ở Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy. Loại địa mạo băng hà đặc biệt này gọi là lỗ rỗng.

Dải băng Fennoscandia là một sông băng khổng lồ bao phủ vùng Scandinavia cũng như phía bắc châu Âu và tây bắc nước Nga, vào cực đại băng hà cuối cùng, cách đây khoảng 20.000 năm. Quá trình đóng băng có thể dẫn tới mọi cấu tạo địa chất, bao gồm cấu tạo hình chữ P, kết quả từ xói mòn ở lớp đá nền bên dưới dải băng.

Cấu tạo hình chữ P tạo bởi nước băng tan chảy chứa trầm tích mài mòn. Những trầm tích này bao gồm đá thuộc đủ hình dạng và kích thước, từ cát mịn tới đá cuội lớn. Dòng nước băng tan chảy áp suất cao di chuyển bên dưới mặt băng có thể gọt đẽo lớp đá nền thành vùng lõm có thành trơn nhẵn, với chiều rộng và chiều sâu từ vài centimet đến vài mét.

Lỗ rỗng như Mắt Rồng là loại cấu tạo hình chữ P định hình bởi dòng nước băng tan chảy đặc biệt hỗn loạn, tập trung mài mòn và xói mòn theo vòng tròn. Cuối cùng, khi nước băng tan chảy di chuyển chậm lại hoặc biết mất, trầm tích thô sẽ lắng xuống và mắc kẹt bên trong lỗ rỗng. Theo Nixon, đó có thể là cách khối đá cuội nằm ở đáy của Mắt Rồng.

Mắt Rồng có thể lộ ra từ bên dưới mặt băng khoảng 16.000 năm trước, khi khu vực xung quanh tan băng. Sự thu hẹp của dải băng Fennoscandia để lộ lớp đá nền và những lỗ rỗng cấu tạo từ gneiss, một loại đá biến chất với các dải khoáng chất rực rõ, làm tăng thêm hình dạng kỳ thú của con mắt.

Con mắt rộng khoảng 1,5 m trông khác biệt tùy theo thời gian trong ngày và thủy triều. Khi thủy triều lên cao, sóng quét qua mặt đá, luân phiên bồi lắng và cuốn đi cát từ hốc rỗng, vì vậy khối đá cuội đôi khi nằm giữa lớp đá nền trơ trọi. Tảo bên trong con mắt cũng khác biệt tùy theo thời gian trong năm và điều kiện ánh sáng.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022