
Đập thủy điện Shuangjiangkou đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: X
Dự án thủy điện Shuangjiangkou ở tây nam Trung Quốc sẽ trở thành đập cao nhất thế giới khi hoàn thành, bắt đầu tích nước vào ngày 1/5, tiến gần hơn đến việc đi vào hoạt động. Dự án trị giá 4,9 tỷ USD tại Châu tự trị dân tộc Tạng và Khương, tỉnh Tứ Xuyên, được xây dựng gần một thập kỷ, sử dụng để phát điện và kiểm soát lũ. Công trình nằm ở thượng nguồn sông Đại Độ, chảy từ cao nguyên Tây Tạng vào lưu vực Tứ Xuyên.
Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) đang xây dựng dự án này, bao gồm đập, hệ thống chuyển hướng và phát điện cũng như công trình xả lũ. Khi hoàn thành, đập sẽ cao 315 m, tương đương tòa nhà chọc trời hơn 100 tầng và cao hơn 10 m so với đập Jinping-I đang giữ kỷ lục hiện tại, cũng ở Tứ Xuyên.
PowerChina cho biết mực nước đạt 2.344 m sau khi hoàn thành giai đoạn tích nước đầu tiên, cao hơn khoảng 80 m so với mực nước sông ban đầu. Sức chứa nước của đập là 110 triệu m3, gấp 8 lần hồ Tây ở tỉnh Hàng Châu. Theo công ty, tiến độ này "đặt nền tảng vững chắc để đưa nhà máy điện vào hoạt động".
Tổ máy đầu tiên của nhà máy dự kiến sẽ sản xuất điện cuối năm nay. Khi hoạt động đầy đủ, nhà máy sẽ có công suất lắp đặt 2.000 megawatt. Đập có khả năng cung cấp hơn 7 tỷ kWh điện mỗi năm, đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của hơn 3 triệu gia đình. Theo PowerChina, năng lượng sạch do nhà máy tạo ra có thể giúp giảm tiêu thụ 2,96 triệu tấn than đá trên toàn quốc và giảm 7,18 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Nhà máy thủy điện được chính phủ trung ương phê duyệt vào tháng 4/2015 và bắt đầu xây dựng vào tháng 7 cùng năm. Có nhiều thách thức kỹ thuật lớn cần vượt qua do vị trí của dự án ở độ cao hơn 2.400 m trong khu vực có điều kiện địa chất phức tạp cũng như các yêu cầu kỹ thuật của nó.
Hai kỹ sư cao cấp làm việc trong dự án đã trình bày chi tiết nhiều thách thức kỹ thuật cấp bách như kiểm soát thấm và thoát nước, khả năng chống động đất và xây dựng đập trong bài báo năm 2016. Công nghệ tiên tiến như robot và liên lạc 5G mới được sử dụng để giải quyết những thách thức này.
Các kỹ sư sử dụng xe lăn robot liên kết với cảm biến đặt xung quanh công trường để thu thập dữ liệu giúp cải thiện hiệu suất và máy bay không người lái để phát hiện nguy cơ môi trường tiềm ẩn. Họ cũng nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường trong dự án Shuangjiangkou như thành lập vườn thực vật để chuyển và trồng cây cần bảo vệ bị di dời trong quá trình xây dựng đập.
Trung Quốc có nhiều đập cao. Từ thập niên 1950, Trung Quốc đã xây dựng hơn 22.000 đập cao trên 15 m, chiếm khoảng một nửa tổng số đập trên thế giới, để kiểm soát lũ, tưới tiêu và thủy điện. Phần lớn đập cao nhất của Trung Quốc nằm ở phía tây nam của đất nước, trải dài trên các sông Lan Thương, Dương Tử và Kim Sa.
An Khang (Tổng hợp)